Đọc nhiều Bài viết


  • Với chỉ 3 phút, phim "Giving" (Cho đi) làm hàng triệu người chảy nước mắt

    Với độ dài chỉ 3 phút, phim "Giving'' (Cho đi) đã thực sự làm hàng triệu người chảy nước mắt. Đoạn phim này do Công ty Viễn thông TrueMoveH, Thái Lan, sản xuất.

    Sau một tuần, tức vào ngày 11.9.2013, phim được 5 triệu lượt người xem, và vào thời điểm này (17.10.2013) đã có gần 13.500.000 lượt xem.

    Chuyện phim:

    Cậu bé nọ ăn cắp chai thuốc trị bệnh. Bà chủ tiệm giật lại chai thuốc và chửi mắng cậu ta xối xả. Có người đàn ông, là chủ quán ăn, động lòng thương, liền chạy ra, hỏi cậu để biết rõ sự việc.


    Khi hay rằng cậu bé ăn cắp chai thuốc vì mẹ của cậu đang bệnh nặng, ông chủ quán ăn liền trả tiền cho bà chủ tiệm thuốc, rồi tặng cậu bé chai thuốc ấy và còn bảo con gái của ông mang cho cậu bé ít thức ăn.


    Ba mươi năm sau, người-đàn-ông-tốt-bụng-xưa-kia vẫn còn là chủ quán ăn cùng cô con gái đã lớn. Ngày nọ, ông bị đột quỵ và phải nhập viện. Muốn chạy chữa thì ông ta phải trả số tiền quá lớn! Cô con gái tính đến chuyện bán quán ăn... Nào ai ngờ rằng ''cậu-bé-ăn-trộm-năm-xưa'' giờ là bác sỹ tình cờ tiếp nhận bệnh nhân là ân nhân của mình.


    Với lòng biết ơn, ''ông-bác-sỹ-chịu-ơn'' quyết tâm chữa trị cho ân nhân, mà không để ông ta phải trả tiền bởi vì "viện-phí-của-người-đàn-ông-ngày-hôm-nay đã được trả trước cách đây ba mươi năm!!!"

    Xin mời mọi người cùng xem phim:


     

     

     

     

    Đọc thêm »
  • It's a wonderful life (Cuộc sống tuyệt vời) mãi mãi là bộ phim Giáng Sinh bất tử

    Trên Youtube, khi bạn gõ vào thanh tìm kiếm để nghe bài hát Auld lang Syne từ phim It’s a wonderful life (Cuộc sống tuyệt vời) thì có một lời bình như thế này: Why don’t they make movies like these anymore? (Vì sao người ta không làm những bộ phim như thế này nữa?)

    Lời bình luận được rất nhiều người like. Một câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng thật sự khiến người ta suy nghĩ, không phải suy nghĩ xem vì sao người ta không làm nữa, mà suy nghĩ về cuộc sống hiện đại, xã hội đang bước vào thời kì hậu hiện đại, những giá trị nhân bản của cuộc sống dường như đang mai một, hoặc đang lái sang những hướng khác khiến những người sống hoài cổ và trân trọng quá khứ cảm thấy bối rối và lạc lõng. Những giá trị thuần khiết về mặt đạo đức, những mơ ước giản đơn đã rơi rụng đi nhiều. Người ta không thể bám vào quá khứ để sống, nhưng người ta cần quá khứ để biết nâng niu cái đẹp của cuộc đời. Đấy là điều tôi muốn nói về một trong những bộ phim hay nhất về Giáng Sinh, It’s a Wonderful Life, của Frank Capra đạo diễn năm 1946.

    Bộ phim nói về cuộc đời của George Bailey (James Stewart), người từ khi sinh ra cho đến lúc lập gia đình chưa một lần bước chân rời khỏi thị trấn quê hương Bedford Falls của mình, mặc dù từ khi còn bé anh đã nuôi tham vọng đi khắp nơi trên thế giới. Anh nói: “Có ba âm thanh quyến rũ nhất thế giới, đó là tiếng động cơ tàu lửa, tàu thủy và máy bay.” Vì những âm thanh đó báo hiệu rằng ta sẽ rời khỏi nơi này để đến nơi khác, khám khá cuộc sống mới và vùng đất mới. Nhưng cứ mỗi khi anh sắp thực hiện được ước mơ của mình thì một biến cố nào đó lại xảy ra và giữ anh lại với thị trấn quê hương anh để giúp đỡ mọi người.

    Trong thị trấn có một lão nhà giàu có tên Henry F. Porter (Lionel Barrymore) chuyên cho vay nặng lãi và là cổ đông của hãng tín dụng "Building & Loan", nơi bố của Bailey là một trong những người điều hành. Hoạt động của công ty giống như ngân hàng nhưng những khoản tiền gửi của khách sẽ được dùng để xây dựng những khu nhà kinh phí thấp cho người nghèo, chính vì vậy khi bố của Bailey qua đời, Henry một mực thuyết phục cổ đông của công ty giải thể nó, điều đó đồng nghĩa với việc những người nghèo sẽ không còn có thể có nhà ở giá thấp nữa. Điều duy nhất khiến công ty tiếp tục tồn tại là George buộc phải tiếp quản điều hành công ty trong khi anh đã sẵn sàng mọi thứ để lên đường thực hiện ước mơ của mình. Những biến cố liên tiếp xảy ra, Potter luôn tìm cách mua chuộc hoặc gây thiệt hại cho công ty để anh từ bỏ, nhưng George thà bỏ hết tiền của mình, những đồng tiền dự định cho chuyến trăng mật của anh và vợ để cứu công ty – nơi có thể giúp đỡ được rất nhiều người nghèo khổ.

    Bộ phim cứ vậy, một cuộc chiến của một người đàn ông giữa trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội với chính đam mê của mình, và cuộc chiến chống lại sự tham lam của con người mà lão Potter là đại diện. Đạo diễn Frank Capra đưa ra cho ta một cái nhìn rất rõ ràng giữa thiện và ác hay nói đúng hơn giữa lòng tham và sự khoan dung. Câu chuyện giản dị, giàu tình cảm, những tình tiết hài hước được cài cắm khéo léo. Mỗi cá tính được điển hình hoá, mỗi tính cách được thể hiện nổi bật ở vai trò của mình trong bộ khung tổng thể của cuộc sống. Sự tương phản giữa thiện và ác, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa tuyệt vọng và tình người được nhấn mạnh một cách xuất sắc.

    Nội dung phim dù không phức tạp hay đặc biệt nếu đặt ở tầm tư duy của xã hội hiện đại, nhưng những thông điệp mà bộ phim mang lại luôn luôn có thể áp dụng trong mọi thời đại, thông điệp của sự sẻ chia yêu thương và sống vì người khác. Nếu ai cũng chỉ sống vì mình mà thiếu đi tình yêu gia đình, xã hội thì có lẽ loài người đã tuyệt chủng từ lâu. Mỗi cá nhân chúng ta sống trong cuộc đời đều không thể tồn tại độc lập, tất cả đều có sự tương tác, giao kết, ta sống đời ta nhưng đời ta lại có rất nhiều sợi dây nối với những cuộc đời khác, những số phận khác. George Bailey khi tuyệt vọng nhất định tìm đến cái chết, và anh đã thốt lên: ước gì anh không được sinh ra trong cõi đời này. Nhưng nếu anh không tồn tại thì chuyện gì sẽ xảy ra, em trai anh sẽ chết trong hố băng vì không có ai cứu, ông già dược sĩ sẽ bị đi tù vì đưa nhầm thuốc độc, thị trấn Bedford Falls sẽ bị đổi tên và biến thành một thị trấn khác với toàn những câu lạc bộ rẻ tiền, những người dân nghèo sẽ bị vắt kiệt trong những những căn nhà lụp xụp được cho thuê với giá cắt cổ… Nếu không có George Bailey thì tất cả những điều đó sẽ xẩy ra, những sợi dây liên kết bị biến mất, cuộc sống của nhiều người đi theo những hướng khác sống trong những dòng thời gian khác. Trong một cuộc đời, luôn luôn có những lúc ta cảm thấy như đang chìm trong địa ngục, những địa ngục ở trần gian, nhưng không vì thế mà ta vô trách nhiệm từ bỏ cuộc sống của ta, George Bailey đã sống một cuộc đời cống hiến, đã dành được rất nhiều tình cảm của mọi người, “Chúng ta sẽ không là những kẻ thất bại nếu chúng ta có bạn”.

    Có lẽ chính vì thế, It’s a wonderful life mặc dù không đạt được thành công về mặt thương mại, nhưng nó đã và luôn là một trong những bộ phim đáng xem nhất mỗi dịp Giáng Sinh và năm mới đến. Khi cái lạnh bao phủ lên mặt đất và làm co ro lòng người, thì sự ấm áp của cảm xúc và tình yêu càng cần thiết hơn bao giờ hết, nó làm ta tin vào một tương lai tươi sáng hơn, giúp ta quên một năm cũ còn nhiều vướng mắc. Những điều đó mới chính là thứ con người ta cần trong những giờ phút giao thời.

    Thật không dễ đề tìm được một bộ phim vừa sâu sắc vừa gần gũi với khán giả đại chúng như thế này trong thế giới điện ảnh bây giờ, vẻ đẹp của sự tối giản đã nhường chỗ cho sự tinh tế của một cái đầu phải nghĩ thật sâu để hiểu được vấn đề, những câu hỏi tại sao, những suy nghĩ đầu óc mệt mỏi về những tầng ý nghĩa dày dặc của đạo diễn. Không ai cần phải tranh cãi xem bộ phim nói về điều gì, có hay như mong đợi hay không vì bộ phim của Frank Capra đã chứa đựng sự tinh tế của một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp, cái đẹp của cuộc sống, của tình yêu, tình bạn. Giống như Casablanca, It’s a wonderful life là một bộ phim sống mãi với thời gian, phù hợp với mọi thời đại, không bao giờ bị cũ vì tư tưởng xuyên suốt phim là thứ tư tưởng thuần nhất của con người.

     

    Nguồn: mannup.vn

    Đọc thêm »
  • Tòa Thánh quay video 4K trong lễ tuyên thánh Mẹ Têrêxa

    Khoảng 600 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đổ xô đến Rôma để tường thuật lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, một buổi lễ đang được nhiều người coi là điểm nhấn của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hơn một chục nhà lãnh đạo các nước sẽ tham dự Thánh Lễ.

    Trong số những người phát biểu tại cuộc họp báo đầy chật người tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào lúc 11h30 sáng thứ Sáu 2 tháng 9, có nữ tu Mary Prema Pierick, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái Mẹ Têrêsa, cha Brian Kolodiejchuk, cáo thỉnh viên án tuyên thánh cho Mẹ và ông Marcilio Haddad Andrino, là người đàn ông Brazil đã được chữa lành cách kỳ diệu nhờ lời cầu bầu của Mẹ Teresa.

    Andrino cho biết ông bị nhiễm trùng não và các bác sĩ đã mất hết hy vọng cứu sống ông. Vợ ông là Fernanda đã cầu nguyện với Mẹ Têrêsa và ngay sau đó ông thấy mình được chữa lành khỏi bệnh một cách kỳ diệu. Ông bày tỏ lòng biết ơn Mẹ Têrêsa và nhấn mạnh rằng trường hợp của ông chỉ là một ví dụ về lòng thương xót và tình yêu phong phú của Thiên Chúa. Trong vòng một năm, vợ ông đã có thai và nay họ đã có hai con mặc dù Andrino đã được các bác sĩ cho biết là các loại thuốc mạnh họ tiêm vào người anh trong lúc chữa bệnh cho anh đã làm anh vô sinh. Ông cho rằng hai đứa con của mình là "phần mở rộng của phép lạ đó."

    Về mặt kỹ thuật của Thánh lễ phong thánh, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói với các nhà báo rằng sự kiện này sẽ được quay phim với hệ phân giải cao nhất là 4K và sử dụng chín máy ảnh truyền hình. 

    Cho đến nay, các frames hình trên các videos của VietCatholic gồm 1080 dòng, mỗi dòng có 1920 điểm sáng, từ chuyên môn gọi là pixels.

    Các frames hình Tòa Thánh quay trong thánh lễ tuyên thánh Mẹ Têrêsa gồm 2160 dòng, mỗi dòng có 3840 điểm sáng. Như thế, số điểm sáng gấp 4 lần các videos VietCatholic đang phát. Hình ảnh, do đó, sẽ mịn và đẹp hơn.

    Từ năm 2014, YouTube đã có khả năng phát được 4K. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản thậm chí có khả năng phát được 8K.

     

    Đặng Tự Do

    Nguồn: VietCatholic

     

    Đọc thêm »
  • Lên án một cuốn phim bôi bác lịch sử Giáo Hội Công giáo

    Roma - Báo "Avvenire" (Tương lai) của Hội đồng Giám mục Ý lên án một cuốn phim có nội dung bôi bác lịch sử Giáo Hội Công giáo. Ðược biết: các rạp chiếu bóng tại Ý đang cho chiếu một cuốn phim kể lại cuộc đời của một khuôn mặt huyền thoại là "nữ giáo hoàng Gioan". Cuốn phim hiện đang nằm trong danh sách 10 cuốn phim thu hút nhiều khán giả nhất tại Ý.

    Theo một số báo chí xuất bản tại nước Úc, cuốn phim có mục đích hâm nóng lại cuộc tranh luận xung quanh vấn đề: liệu trong lịch sử Giáo Hội có vị giáo hoàng nào là phụ nữ không?

    Giáo Hội vẫn luôn khẳng định rằng "nữ giáo hoàng Gioan" chỉ là một khuôn mặt huyền thoại do những người Tin lành tiên khởi tạo ra để hạ uy tín của Giáo Hội.

    Theo chuyện phim, vào thế kỷ thứ 9, một cặp vợ chồng truyền giáo người Anh tại Ðức sinh hạ một bé gái cực kỳ thông minh. Cô bé đã giả trai để được gia nhập vào một tu viện. Cô đã theo học tại Hy Lạp trước khi đến Roma là nơi cô trở thành một Hồng y và làm y sĩ riêng cho Ðức Giáo hoàng Sergio II. Năm 853, vị Hồng y "gái giả trai" này được bầu làm Giáo hoàng và cai quản Giáo Hội 3 năm trước khi tung tích bị khám phá.

    Báo Avvenire của Hội đồng Giám mục Ý nói rằng cuốn phim hoàn toàn là một câu chuyện "dựng đứng".
     
    CV (RVA)

    Đọc thêm »
  • Đức TGM Fulton Sheen tái xuất hiện trên màn bạc trong một phim tài liệu mới

    Denver, Colo., (CNA/EWTN News).- Một cuốn phim tài liệu về cuộc đời Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đang được trình chiếu trước khi được phát hành toàn nước Mỹ, trong nỗ lực nâng cao tẩm hiểu biết nơi công chúng về cố Tổng Giám mục mà tiến trình phong thánh hiện đang được tiến hành.


    Cuốn phim tài liệu dài hàng giờ này nhan đề “Archbishop Fulton J. Sheen: Servant of All (Tổng giám mục Fulton J. Sheen: Người tôi tớ của mọi người)”, vừa để thưởng ngoạn vừa đưa ra một sứ điệp mạnh mẽ về cuộc đời rao giảng Tin Mừng của vị Tổng Giám mục thời danh này (1895-1979). Phim gồm cả những lời chứng của hàng chục cá nhân đã từng xúc cảm và ảnh hưởng vì cuộc đời của vị TGM. Phim cũng còn có những đoạn trích từ show truyền hình rất phổ biến của ngài, đó là chương trình “Life is Worth Living (Cuộc đời đáng sống).”

    Ngay từ thời còn trẻ đã nổi danh vừa là một học giả vừa là con người thánh thiện, TGM Sheen, sau khi được thụ phong linh mục năm 1919, đã cam kết cầu nguyện hàng ngày một Giờ Thánh trước Thánh Thể Chúa. Ngài vẫn duy trì việc thực hành đó suốt 60 năm còn lại trong đời, và cho rằng sự thành công trong việc truyền bá Tin Mừng của mình có được là do Giờ Thánh hàng ngày đó.

    Ở tuổi 30, TGM Sheen đã nổi tiếng là một học giả Công giáo, với những bằng cấp do nhiều trường đại học ở Hoa kỳ và châu Âu cấp. Ngài giảng dạy tại trường Đại học Công giáo Hoa kỳ, và sinh viên túa đến chật ních cả giảng đường, có khi phải ngồi cả trên những lò sưởi, để nghe ngài giảng dạy.

    Nổi tiếng là một nhà diễn thuyết giỏi, TGM đã đi nhiều nơi trên thế giới để diễn giảng, lôi kéo có khi cả 10 ngàn người đến nghe một con người có nhân cách lôi cuốn và một sứ điệp mạnh mẽ. Một thính giả đã phát biểu: “Bạn có thể được cảm nghiệm như đang thấy một trong các vị Thánh Tông đồ đang nói ngay trước mặt bạn.”

    Vào năm 1930, TGM Sheen được yêu cầu tham dự vào buổi phát thanh hàng tuần trên radio trong chương trình “The Catholic Hour (Giờ Công giáo).” Và ít lâu sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục phó của giáo phận New York năm 1951, ngài bắt đầu chương trình truyền hình “Life is Worth Living (Cuộc đời đáng sống).”

    Chẳng mấy chốc, mỗi tuần đã có tới 30 triệu người Mỹ mở đài truyền hình để xem TGM Sheen. Ngài trình bày thông điệp của mình bằng tính cách vừa khôn ngoan, duyên dáng vừa dí dỏm, hài hước. Chỉ sau mùa truyền hình thứ nhất, ngài đã được giới điện ảnh tưởng thưởng một giải Emmy, và đây là lần đầu tiên và duy nhất một nhà truyền hình tôn giáo được vinh dự đó.

    Tuy thành công lớn lao trong lãnh vực truyền thanh và truyền hình, vị TGM này vẫn giữ được tính khiêm tốn và hào phóng. Tiền bạc nhận được do các show này, cũng như của nhiều người hiến tặng, ngài đều gửi cho Hiệp hội Truyền bá Đức tin là hội ngài được đề cử làm giám đốc.

    Khi Công đồng Vatican II nhóm họp, TGM Sheen đã đến nói về vai trò của Giáo Hội trong việc chăm sóc người nghèo khó trên thế giới. Cũng tại cuộc họp này, ngài lôi kéo được sự chú ý của vị Hồng y sau này sẽ trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hồng y đã học Anh ngữ khi nghe các buổi phát thanh phát hình của TGM Sheen.

    Trong những năm sau đó, TGM Sheen bắt đầu mất dần đi tính cách phổ thông trong quảng đại quần chúng vì ngài công khai ủng hộ các quyền dân sự và chỉ trích cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ngoài ra, một số người còn thấy ngài còn giữ tính cách quá truyền thống sau Công đồng Vatican II.

    Năm 1966 ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Rochester và giữ chức vụ này ba năm trước khi về hưu ở tuổi 74. Những năm còn lại trong đời, ngài mạnh mẽ hoạt động để củng cố và đề cao chức linh mục. Sức khoẻ ngài suy giảm dần và đã phải trải qua một cuộc giải phẫu tim.

    Tổng Giám mục Sheen qua đời ngày 9 tháng 12 năm 1979, thi thể được tìm thấy trước Thánh Thể trong nhà nguyện riêng của ngài.

    Án phong chân phước và tuyên thánh cho Tổng Giám mục Sheen được mở năm 2002. Hiện nay ngài được tôn phong lên bậc Tôi tớ Chúa, và Giáo Hội tiếp tục xem xét cuộc đời và sự nghiệp của ngài, gồm cả 66 cuốn sách ngài đã viết.


    Phụng Nghi

    Đọc thêm »
RSS