Đọc nhiều Bài viết


  • Khi Hollywood làm phim về Kitô giáo

    Sau thành công mới đây của một loạt bộ phim, nhắc công chúng một điều, các nhà làm phim Hollywood dường như rất thành công với các tác phẩm điện ảnh đỉnh cao lấy cảm hứng từ Kitô giáo.

    Poster của phim Heaven is for RealHeaven is for Real (Thiên đường là có thật) là một bộ phim về câu chuyện của một cậu bé quả quyết rằng mình đã đặt chân đến Thiên đàng cùng Chúa Giêsu trong một lần cận kề cái chết của đạo diễn Randall Wallace đang được trình chiếu tại nhiều rạp trên thế giới với những con số doanh thu phòng vé ấn tượng.

    Với kinh phí 12 triệu USD cùng sự xuất hiện của ngôi sao Greg Kinnear, Heaven is for Real thu về 21,5 triệu USD vào cuối tuần lễ Phục sinh tại các rạp ở Mỹ và Canada, đứng thứ ba sau hai bộ phim có doanh thu lớn hơn là Captain America: The Winter Soldier (Chiến binh mùa đông) của hãng Walt Disney và Rio 2, một ấn phẩm mới của Fox Animation.

    Hai bộ phim khác về Kitô giáo cũng lọt vào top 10 là Noah (Đại hồng thủy) do hãng Paramount Pictures thuộc tập đoàn Viacom sản xuất với sự tham gia của ngôi sao Russell Crowe. Tác phẩm điện ảnh giữ vị trí thứ 9 trong danh sách này đạt doanh thu hơn 93 triệu USD tại các rạp chiếu phim trong nước kể từ khi ra mắt vào tháng 3, trang Box Office Mojo cho hay.

    Còn God's Not Dead (Chúa không chết) với vị trí thứ 10, kể về một sinh viên đại học năm thứ nhất tranh luận với giáo sư về sự tồn tại của Chúa đã mang về cho các nhà làm phim 48 triệu USD sau năm tuần công chiếu, mặc dù chỉ xuất hiện ở một nửa các rạp chiếu phim lớn của Hollywood.

    Son of God  (Con Thiên Chúa) dưới sự chỉ đạo sản xuất của đạo diễn Mark Burnet trong mini serie phim truyền hình The Bible (Kinh Thánh) cũng thu về hơn 59 triệu USD từ doanh thu các phòng vé trong nước sau khi được công bố hồi đầu năm nay .

    “Những con số ấn tượng như trên sẽ khuyến khích các nhà sản xuất thực hiện nhiều thể loại phim tương tự như thế này”, Paul Dergarabedian, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của phòng vé công ty Rentrak cho biết.

    Các hãng phim đã thực hiện những bộ phim dựa trên đức tin kể từ khi The Passion of the Christ (Cuộc khổ nạn của Đức Kitô) do Mel Gibson thực hiện vào năm 2004 đạt doanh thu khổng lồ 611,9 triệu USD từ các phòng vé trên toàn thế giới dù chỉ ‘khởi nghiệp’ khiêm tốn với 30 triệu USD, theo Box Office Mojo.

    Trong 5 năm qua, Hollywood đã có 26 phim về Kitô giáo, trong đó có ba bộ dựa trên tiểu thuyết giả tưởng The Chronicles of Narnia của C.S. Lewis.

    “Có một lượng khán giả trung thành rất quan tâm đến thể loại phim như thế này. Một trong những yếu tố căn bản là khán giả thấy mình được truyền những cảm hứng trong tự nhiên”, Rory Bruer - chủ tịch Sony Pictures Entertainment, hãng phân phối phim sở hữu TriStar Pictures, đồng thời cũng là đơn vị phân phối Heaven is for Real cho hay.

    Mặc dù vậy, không phải tất cả những bộ phim chủ đề này được đánh giá là tuyệt vời. Trên trang web Rotten Tomatoes, chỉ có 31 trong 59 ý kiến cho rằng ấn phẩm Heaven is for Real đáng xem.

    Điều quan trọng là các bộ phim phải có một phương tiện tiếp thị tích hợp, David A. R. White – ông chủ công ty Pure Flix, đơn vị sản xuất God's Not Dead bình luận.

    Ông White chia sẻ với Entertainment Weekly rằng Pure Flix đã thực hiện một chiến dịch nền tảng tích cực, trong đó có sự kiện chiếu phim cho 8.000 linh mục trước khi trình chiếu ở các rạp.

    "Chúng tôi có rất nhiều mối quan hệ với ‘người gác cổng’ - người mà có thể tập hợp người dân của họ đến rạp chiếu phim”, White tiết lộ.

     

    Nguồn: Reuters

    Đọc thêm »
  • Phim mới ''Ben-Hur'' về tình huynh đệ, phản bội, nô lệ, tình yêu, tha thứ và ơn Cứu độ

    Từ ngày 19/8/2016, bộ phim màn ảnh rộng Ben-Hur đã được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc Hoa Kỳ. Ben Hur là một câu chuyện cổ điển nói về tình huynh đệ, sự phản bội, chế độ nô lệ và tình yêu, sự tha thứ và ơn Cứu độ.

    Ben-Hur phiên bản mới kể về câu chuyện của Giu-đa Ben-Hur (do Jack Huston đóng), Ben-Hur là một hoàng tử bị vu cáo là phản bội bởi chính người anh em nuôi của mình là Messala (do Toby Kebbell đóng), một sĩ quan trong quân đội La Mã. Ben-Hur bị tước danh hiệu hoàng tử và phải tách khỏi gia đình và người yêu của mình (do Nazanin Boniadi đóng), Ben-Hur bị buộc làm nô lệ và trở nên tuyệt vọng.

    Sau nhiều năm trên biển, khúc rẽ ngoạn mục đã đưa Ben-Hur tới một cuộc hành trình lịch sử trở lại quê hương của mình để tìm cách báo thù, nơi mà cơ hội gặp gỡ với Chúa Giêsu thành Nazareth (do Rodrigo Santoro đóng) đã biến đổi cuộc sống của anh và dẫn Ben-Hur khám phá ra ân sủng, lòng thương xót và cuối cùng là ơn cứu rỗi. Bộ phim còn được siêu minh tinh Morgan Freeman trong một màn trình diễn khó quên.

    Ben-Hur không chỉ là một câu chuyện ly kỳ và thú vị, nó cũng là một câu chuyện đã ảnh hưởng hàng triệu con tim và đời sống dân chúng khắp nơi với thông điệp mạnh mẽ về sự tha thứ và sự cứu chuộc. Trong thực tế, phiên bản năm 1959 là bộ phim Hollywood đầu tiên có đặc trưng trình bày Chúa Giêsu như là một nhân vật trung tâm trong câu chuyện.


    Xem trailler của phim Ben Hur (2016)

    Phiên bản phim mới Ben-Hur diễn tả những tình tiết thú vị và điềm đạm, chắc chắn một lần nữa sẽ có tác động mạnh mẽ và lôi cuốn, không chỉ tại các rạp chiếu phim, mà còn trong cuộc sống của tất cả những ai xem phim này.

    (Chúng tôi sẽ biên dịch phụ đề Việt ngữ để trình chiếu phục vụ quý vị cùng các bạn trong thời gian sớm nhất có thể).

    Trong lúc chờ đợi, mời quý vị xem lại phim Ben-Hur phiên bản 1959 của Hollywood.

    PHIMCONGGIAO.NET

    Đọc thêm »
  • Những cuốn phim Đức Thánh Cha Phanxicô ưa thích

    Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cho hay ít ra cũng có ba cuốn phim đã giúp ngài uốn nắn đời sống tâm linh và luân lý của ngài: phim Rome, Open City (1945) của đạo diễn Roberto Rosellini về Chiến tranh Thế giới thứ II; La Strada (1954) của đạo diễn Federico Fellini; và phim Babette's Feast (1988) của Đan Mạch.

    Cả ba đều nằm trong danh sách 45 “phim hay” do Vatican lựa chọn vào năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngành điện ảnh. Cả ba phim bằng cách riêng đều làm sáng tỏ một trong những chủ đề của giáo triều Phanxicô. Như ngài đã viết trong Tông huấn Evanglii Gaudium (Niềm vui Phúc Âm): "Mỗi khi chúng ta gặp gỡ một người nào đó bằng tình yêu, chúng ta được học hỏi thêm một điều mới lạ về Thiên Chúa.”

    Trong phim Rome, Open City, Ado Fabrizi đóng vai một linh mục anh hùng tên Don Pierro. Cha đã bày tỏ lòng cảm thương đối với người khác trong tác vụ của ngài giữa quân đội Nazi chiếm đóng, và quân kháng chiến. Một chủ chăn “có mùi cừu” và không sợ hãi phải đi tới tận vòng đai, theo lời Đức Thánh Cha thường nói. Don Pierro tìm kiếm những ai bị xã hội khinh rẻ. Pina, một phụ nữ có đức tin vững mạnh nhưng đời sống luân thường không đứng đắn, và hôn phu của bà là Franscesco, một người vô thần bị Đức Quốc Xã lùng bắt.

    Đã có lúc một sĩ quan mật vụ Đức ép cha Don Pierro phải tố cáo một đồng đội kháng chiến của Franscesco, và giả dụ rằng tất cả những người vô thần đều là kẻ thù của Giáo Hội. Đáp lại bằng đức ái, ngài trả lời: "Tôi tin rằng bất cứ người nào tranh đấu cho hoà bình và tự do đều đang đi trên con đường của Thiên Chúa.”

    La Strada chú trọng vào một khía cạnh khác của mối tương quan giữa người bạn đồng hành là lực sĩ Zampano do Anthony Quinn thủ vai và người con gái bình dị Gelsomina do Giulietta Masina đóng. Zampano là một anh chàng vũ phu có những hành vi bạo lực và những ham muốn hạ tiện, nhưng anh ta đã thay đổi nhờ gặp gỡ người con gái khiêm nhu Gelsomina. Cô ta biểu tượng cho “người nghèo khổ” (người điên của Chúa), biệt hiệu này thường được gán cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

    Có lẽ không có cuốn phim nào trình bày tốt đẹp hơn sức mạnh biến cải của một cuộc gặp gỡ cá nhân chân thành hơn là phim Babette’s Feast của Gabriel Axel, trong đó nhân vật chính Babette, một người Pháp tị nạn, trước đây là một đầu bếp nổi tiếng. Bà đã chuẩn bị một bữa tiệc cho một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé tại một vùng hẻo lánh của Đan Mạch. Qua sự lo lắng chăm sóc cho thức ăn và tình bạn, Babette đã biến đổi bữa ăn thành một “câu chuyện tình yêu” trong đó “lòng thương xót và chân lý” gặp gỡ nhau.

    Bữa tiệc với 12 thực khách có hình thức của bữa tiệc Thánh Thể, trong khi các chia rẽ xưa cũ được hàn gắn bởi thức ăn ngon miệng. Ngoài ý nghĩa về bí tích, cuốn phim còn chạm đến các chủ đề khác rất gần gũi với trái tim Đức Thánh Cha: lòng thương xót và cởi mở cho sự ngạc nhiên khi đón nhận niềm vui trong Chúa, tình cộng đồng, và một tình yêu tận hiến, được biểu lộ bởi sự hy sinh thời gian và cố gắng của Babette.

    Ngoài ra, cả ba cuốn phim đều đề cập đến những nhân vật bị tổn thương và những người tội lỗi, chắc chắn cũng nêu cao sự hiểu biết của Đức Thánh Cha Phanxicô về Giáo Hội như một bệnh xá dã chiến sau một trận chiến.

    Trong Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô viết ngài không bao giờ chán việc lập lại những lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Tông huấn Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu): “Là một Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn về đạo đức hay là một ý tưởng cao cả, mà là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một người, có thể đem đời sống tới một chân trời mới và một hướng đi quyết định.”

    Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Những lời này dẫn đưa chúng ta đến chính trọng tâm của Phúc Âm.” Có một châm ngôn của Dòng Tên về “việc tìm gặp Thiên Chúa trong mọi sự”. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này có nghĩa là dùng tất cả mọi sự - kể cả phương tiện phim ảnh – để khuyến khích những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.

     

    Bùi Hữu Thư
    (VietCatholic)

     

    Đọc thêm »
  • John Wayne, tài tử điện ảnh và việc trở lại Công giáo

    John Wayne (*) đối với nhiều người là một huyền thoại của Hollywood, người tượng trưng cho nam tính đích thực và các giá trị của người Mỹ. Dù vậy, đối với Cha Matthew Muñoz, ông chỉ đơn giản là một “người ông”.

    John Wayne, ảnh chụp năm 1959“Lúc còn nhỏ, chúng tôi thường đến nhà ông; đơn giản vì chúng tôi muốn ở với ông, chơi với ông và được vui vẻ với nhau. Một hình ảnh rất khác với điều mà hầu hết mọi người có về ông”, Cha Muñoz nói với CNA trong lần đến Rôma mới đây.

    Cha Muñoz được 14 tuổi khi ông nội của cha qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1979. Trong suốt cuộc đời mình, “The Duke” (một trong những biệt danh của John Wayne) đã đoạt 3 giải Oscar, Huy chương Vàng Quốc hội và được Tổng thống trao tặng Huân chương Tự do sau khi qua đời. Dù vậy, trong tất cả những thành tựu đó, Cha Muñoz chỉ tự hào một điều - đó là việc người ông của Cha trở về với đức tin Công giáo.

    “Bà tôi, Josephine Wayne Sáenz, đã có một tầm ảnh hưởng tuyệt vời trên cuộc sống của tôi và là người giới thiệu tôi với thế giới Công giáo”, Cha Muñoz, 46 tuổi, là một linh mục của Giáo phận Orange ở California, cho biết.

    “Ông tôi luôn trung thành với các sự kiện và các cuộc gây quỹ của Giáo Hội mà bà tôi đã luôn lôi kéo ông, và tôi nghĩ rằng, sau một thời gian, ông có cảm nghĩ rằng quan điểm thế tục chung về người Công giáo và điều mà ông đã thực sự trải nghiệm riêng, đã trở thành hai điều hết sức khác biệt”.

    Ông bà của Cha Muñoz kết hôn vào năm 1933 và có 4 người con, người con út - Melinda - là mẹ của cha. Hai ông bà đã ly hôn về mặt dân sự vào năm 1945, dù vậy, vì là một người Công giáo, bà Josephine đã không tái hôn cho đến khi ông John Wayne qua đời. Bà cũng không bao giờ ngừng cầu nguyện cho việc trở về của chồng mình - lời cầu nguyện đã được nhậm lời vào năm 1978.

    “Ông là bạn rất thân của Đức Tổng Giám mục GP. Panama, Tomas Clavel, và Đức TGM là người khuyến khích ông và cuối cùng ông tôi nói: “OK, tôi sẵn sàng”.

    Do việc thay đổi người lãnh đạo ở Panama, Đức TGM Clavel bị trục xuất khỏi quê hương của ngài vào năm 1968. Ba năm sau, Đức Hồng y Timothy Manning, lúc đó là TGM Los Angeles, đã mời Đức TGM Clavel đến Quận Cam (Orange County), nơi ngài từng phục vụ với cương vị là mục tử cho một nửa trong số 600.000 người thuộc cộng đồng châu Mỹ Latinh thuộc Quận Cam.

    Tuy nhiên, lúc mà Wayne thỉnh cầu thì Đức TGM Clavel đã quá yếu để thực hiện chuyến đi đến tư gia của diễn viên điện ảnh này.

    Vì vậy, Đức TGM Clavel đã gọi điện cho Đức TGM McGrath” - Cha Muñoz kể - giải thích rằng Đức TGM McGrath là người kế vị Đức TGM Clavel trong Tổng Giáo phận Panama.

    “Mẹ và cậu của tôi có mặt tại đó khi ngài đến. Vì thế, không còn nghi ngờ gì về việc liệu ông của tôi có được rửa tội hay chưa. Ông muốn được rửa tội và trở thành người Công giáo” - Cha Muñoz nói - “Thật là tuyệt vời được chứng kiến ông gia nhập đức tin Công giáo và làm nhân chứng cho cả gia đình”.

    Cha Muñoz cũng nói rằng người ông của cha đã biểu lộ sự nuối tiếc vì đã không trở thành người Công giáo sớm hơn vào tuổi thanh xuân, cha giải thích rằng “đó là một cảm nghĩ ông tỏ bày trước lúc lâm chung”, ông nói rằng “vì cuộc sống bận rộn”.

    Dù vậy, trước khi trở lại Công giáo, cuộc sống của John Wayne không có tín ngưỡng.

    “Từ thời niên thiếu, ông đã có một cảm nhận tốt về điều đúng và điều sai. Ông được trưởng thành với nhiều nguyên tắc Kitô giáo và là người ‘sống đức tin Thánh Kinh’, tôi nghĩ việc đó có ảnh hưởng rất lớn đối với ông”, Cha Muñoz nói rằng ông của ngài thường viết về Đấng Tối Cao.

    “Ông viết những lá thư tình tuyệt vời gửi Thiên Chúa và đó chính là những lời cầu nguyện. Những lá thư đó có giọng điệu như trẻ con và rất đơn sơ nhưng đồng thời cũng rất ấn tượng”, cha kể.

    “Và đôi khi sự đơn sơ đó trông có vẻ ngây thơ nhưng tôi nghĩ có một sự khôn ngoan sâu xa trong sự đơn sơ của ông”.

    Cha Muñoz tóm tắt hệ thống cấp bậc giá trị của ông của ngài là “Thiên Chúa đứng hàng đầu, kế đến là gia đình, sau đó mới đến đất nước”. Đó là một bộ ba mà cha thấy được phản ánh lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bộ phim của ông. Ông tin những giá trị đó cần thiết ở Hollywood ngày nay và nếu “Duke” còn ở đây, ông sẽ là người chỉ đạo trọng trách đó.

    “Ông tôi là một người tranh đấu. Tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều điều ông cảm thấy thất vọng và buồn. Nhưng tôi không nghĩ ông sẽ mất hy vọng. Tôi nghĩ sẽ ông trông đợi thời đại hiện nay như là một thời điểm của đức tin. Mọi người đang sống trong khủng hoảng và họ đang tìm kiếm một điều gì đó có ý nghĩa hơn, chính đáng hơn”, Cha Muñoz nói.

    “Vì vậy, tôi nghĩ ông sẽ nhìn vào tình trạng ngày nay và nói “đừng nản lòng!” Tôi nghĩ ông sẽ nói là hãy nhập cuộc. Đừng trốn trong vỏ ốc và phòng thủ với Hollywood. Hãy nhập cuộc và trở thành một đại diện cho điều tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng ông sẽ làm điều đó. Và đó là những gì ông đã từng làm lúc sinh thời”.


    Mai Trang (chuyển ngữ từ CNA/EWTN)
    ----------------------------------------------------------------

    * John Wayne có tên thật là Marion Mitchell Morrison (1907-1979), là một diễn viên điện ảnh, đạo diễn và nhà sản xuất của Mỹ. Ông là hình ảnh thu nhỏ của nam tính và trở thành một hình tượng của nước Mỹ.

    Đọc thêm »
  • Từ cuốn tiểu sử "Phanxicô, cuộc đời và cách mạng" đến bộ phim đầu tiên về ĐGH Phanxicô

    Cuốn phim Đức Phanxicô, phóng tác theo tiểu sử Đức Giáo hoàng Phanxicô của nữ ký giả Elisabetta Piqué mà bà đã quen biết trước từ năm 2001, đã được chiếu ở các rạp từ ngày 28/9/2016.

    Nữ ký giả Elisabetta Piqué nhớ lại cuộc phỏng vấn đầu tiên với Đức Phanxicô, ngài gần như là một người “rụt rè. Không phải là một siêu sao chút nào”.

    Rất ít ký giả hình dung cuộc bầu chọn Hồng y Bergoglio trong lần mật nghị năm 2013. Nữ ký giả người Argentina Elisabetta Piqué là một trong các ký giả này, bà đã quen biết Tổng Giám mục Buenos Aires từ năm 2001.

    “Tôi gặp ngài hơi xa xa một chút ở ngoài đường”, nữ ký giả tóc vàng ngoài năm mươi nhớ lại, bà buông ly cappuccinô xuống để chỉ về hướng Nhà các Tu sĩ (Casa del Clero), nơi Hồng y Argentina quen thuộc với trung tâm lịch sử Rôma, ở cách vài trăm mét căn hộ của bà.

    Vào thời đó, nhật báo La Nacion của Argentina gọi cho bà để nhờ bà phỏng vấn người mà cuối tuần đó sẽ nhận mũ hồng y từ tay của Đức Gioan Phaolô II. Nữ ký giả Elisabetta Piqué sinh trưởng ở Ý, sau đó bà theo cha mẹ di dân qua Argentina, bà không phải là chuyên gia chuyên ngành về các vấn đề tôn giáo.

    “Tôi không biết gì về ngài, ngoại trừ ngài là một tu sĩ Dòng Tên và ngài rất ít khi nhận lời phỏng vấn.” Một cách nghề nghiệp, bà không tỏ ra mình không biết. “Tôi điện thoại, và ngài nhận lời cho tôi phỏng vấn ngay lập tức.”

    “Ngài ở trong một góc, gần như rất rụt rè”

    Người mà bà gặp thì rất khác với hình ảnh của một hoàng tử Giáo Hội mà bà hình dung trong đầu. “Khi tôi đến thì ngài ngồi trong một góc, gần như rất rụt rè. Không có nét gì là siêu sao. Tôi nói thẳng cho ngài biết là tôi không biết gì về Giáo hội. Rồi câu hỏi tự nhiên đến và câu trả lời của ngài thì chính xác và rõ ràng.”

    Hai hay ba ngày sau đó, chuộng điện thoại reo. “Cha cám ơn cuộc phỏng vấn”, Hồng y Argentina đơn giản nói và từ đó nối kết liên lạc ngày càng chặt chẽ hơn. “Tôi gặp ngài mỗi lần ngài đến Rôma và mỗi lần tôi đi Buenos Aires.”

    Vì thế mà chiều ngày 13/3/2013, Elisabetta Piqué không ngạc nhiên mấy về cuộc bầu chọn Hồng y Bergoglio, trong khi chồng của bà là ký giả Ireland Gerard O’Connell, “một nhà Vatican học chính cống”, không đặt nhiều hy vọng vào Đức Bergoglio cho mấy.

    “Sáng hôm sau tôi chở con gái đi học. Vào 9 giờ sáng, mọi người gọi tôi để biết ai là tân giáo hoàng. Không ai biết về ngài.” Vì thiếu thông tin nên các đồng nghiệp Vatican học của bà bị giao động bởi phong cách mới của giáo hoàng Argentina, vì thế buộc bà phải kể quá trình của tu sĩ Dòng Tên Argentina này.

    Từ đó, một cách nhanh chóng, bà nghĩ đến việc viết sách để giải thích, khi là giáo hoàng, Đức Bergoglio đã nói y hệt như khi ngài nói ở Buenos Aires. “Nhưng không ai nghe ngài ngoài bức tường Argentina”, bà Elisabetta Piqué cho biết.

    Cũng một cách nhanh chóng, bà có trực giác giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên của lịch sử sẽ làm cách mạng Giáo Hội và bà bắt đầu gặp những người ở Argentina đã từng biết Jorge Bergoglio trong cuộc đời của họ”.

    Cử chỉ tự tin, cái nhìn sắc bén

    Và đây đúng là tiểu sử đầu tiên của tân giáo hoàng: “Phanxicô, cuộc đời và cách mạng” (Francisco, vida et revolucion), được điện ảnh gia Beda Docampo Feijóo đưa lên màn ảnh, cuốn phim được chiếu ở Pháp ngày 28/9/2016. “Một phóng tác: đây là một cuốn phim, không phải là phim tài liệu”, nữ ký giả nhấn mạnh, dù vậy người ta cũng thấy chân dung bà phảng phất trong vai nữ ký giả do diễn viên người Tây Ban Nha Silvia Abascal đóng.

    “Cùng một lúc là tôi và nhiều người khác. Giống như nhiều nhân vật khác trong phim luôn là trộn lẫn của nhiều nhân vật khác nhau. Nữ ký giả với cử chỉ tự tin, cái nhìn sắc bén khác xa với hình ảnh ngây thơ của nữ ký giả trẻ Ana trong phim, cũng như nhân vật trong phim, bà biết tạo một chỗ đứng trong môi trường rất đàn ông của các nhà Vatican học.

    Nhưng đó không phải là điểm quan trọng của cuốn phim, mục đích của cuốn phim là để khán giả gặp được Đức Phanxicô. Cuốn phim nhấn mạnh trước hết, cũng như nữ ký giả Elisabetta Piqué trong quyển sách của mình muốn nói, đó là nêu lên sự liên tục của Tổng Giám mục Buenos Aires, “cha Jorge”, như ngài thường thích mọi người gọi mình như thế.

    “Quyền lực không làm cho ngài thay đổi, bà Elisabetta Piqué bảo đảm như thế, bà vẫn còn liên lạc thường xuyên với ngài. Ngài không cảm thấy mình như một anh hùng, ngài vẫn tiếp tục như trước nhưng dĩ nhiên bây giờ với một hàng rào an ninh chặt chẽ.” Nhưng các hàng rào này không thay đổi tương quan của ngài với giáo dân, các tín hữu trung thành này thích gặp ngài trong các buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô. “Những người này, bà Elisabetta Piqué tin chắc, hiểu ngài hơn là các nhà Vatican học.”

    Cảm hứng của bà: “Bergoglio”

    “Viết tiểu sử của một giáo hoàng không phải là một chuyện nhỏ. Tôi không nghĩ tôi có thể làm được, nhưng cùng một lúc, tôi phải chấp nhận thách thức này. Rất nhiều người viết tiểu sử Đức Bergoglio, nhưng tôi, tôi may mắn gặp ngài nhiều lần, được biết ngài. Tôi có nhiều chi tiết.

    Một cách nào đó, chính ngài là nguồn cảm hứng của tôi! Tôi cũng gặp nhiều nhân vật khác cũng đã biết ngài và tôi biết tôi có thể viết một quyển sách mang ý tưởng giáo hoàng này là ai, để nói lên đúng Bergoglio là ai.”

     

    Marta An Nguyễn
    chuyển dịch từ LaCroix.com

     

    Đọc thêm »
RSS