Giới thiệu Đền Thánh Antôn, Linh địa Trại Gáo - Giáo phận Vinh
Giới thiệu
Đôi nét lịch sử giáo họ và Đền Thánh Antôn Trại Gáo
Trong địa bàn Giáo phận Vinh, giáo họ Trại Gáo là một cộng đoàn có mức độ trung bình về dân số và bề dày lịch sử. Nhưng nơi đây đã được nhiều người gần xa biết đến nhờ có Đền Thánh Antôn, trung tâm hành hương nổi tiếng của giáo phận.
Theo các vị lão thành kể lại, vào quãng giữa thể kỷ XIX, vùng đất Trại Gáo là trang trại của Nhà Chung, dùng để trồng lúa và chăn nuôi gia súc. Cách Đền Thánh Antôn hiện nay hơn 1 km về phía Đông Bắc, Nhà Chung có một kho chứa lúa. Vì thế, lúc đầu người ta gọi nơi đây là “Trại Gạo”. Nhưng với thời gian, người ta đọc trệch dần thành “Trại Gáo”.
Khi mới hình thành trang trại, nơi đây chỉ có dăm gia đình Công giáo sinh sống và làm công cho Nhà Chung. Sau một thời gian, các linh mục ở Tòa Giám mục đã đưa những người nghèo khổ về đây để lao động sinh sống. Khi số tín hữu nơi đây tăng lên chừng mươi hộ, các ngài đã cất cho họ một ngôi nhà nguyện ở xóm Nhà Hốm, bên cạnh kho lúa Nhà Chung.
Vì sinh sống ở vùng ẩm thấp, nên nhiều người bị ốm đau, do đó đã có những gia đình phải dời nhà lên phía trên đồi cách đó hơn một cây số về phía Tây. Dù nơi đó rậm rạp âm u, nhưng họ hy vọng ở nơi cao ráo sẽ đỡ bệnh tật hơn.
Thấy những gia đình đời lên đồi cao được khỏe mạnh, một số gia đình khác cũng dời theo. Dần dần số dân ở trên triền núi đông hơn dưới khu vực đồng trũng.
Để các tín hữu nơi đây noi gương vị thánh "yêu chuộng sự khó khăn", cũng như để phó thác những người nghèo đói, khổ đau cho đấng thánh "hay làm phép lạ", các linh mục đã chọn thánh Antôn Pađôva làm quan thầy cho giáo họ Trại Gáo. Bày tỏ niềm tôn kính và tin tưởng nơi ngài, năm 1898, các linh mục thừa sai đã mua một pho tượng của thánh nhân bằng thạch cao ở Pháp để đưa về lập đền thờ. Sau nhiều ngày tháng di chuyển bằng đường thủy, tượng thánh Antôn đã được đưa về Nhà Chung Xã Đoài. Về đến đây, người ta tiếp tục dùng đò để đưa tượng thánh nhân lên Trại Gáo. Khi đi đến cuối làng Thanh Hương, các tín hữu mới dùng kiệu để cung nghinh ngài về. Đi đến địa điểm Đền Thánh hiện nay, mọi người dừng nghỉ để lấy sức tiếp tục kiệu tượng lên trên đỉnh núi, nơi các cha đã định sẽ xây dựng Đền Thánh. Nhưng sau khi nghỉ xong, họ không làm sao nhấc tượng lên được. Huy động thêm người vẫn không có kết quả, ngược lại tất cả các dây khiêng đều bị đứt. Thấy dấu hiệu ấy, các vị hữu trách nhận ra ý thánh Antôn muốn xây dựng cho ngài ngôi đền tại đó. Vì vậy, các vị đã cùng với các tín hữu nơi đây dựng một ngôi đền dài 18 mét, rộng 12 mét, hoàn toàn bằng gỗ, để làm nơi tôn kính ngài.
Sau phép lạ đầu tiên đó, cũng như sau khi Đền Thánh được xây xong, các tín hữu về sinh sống quanh đền thánh đông hơn. Một số còn lại dưới vùng đất trũng, năm 1976 cũng được chính quyền di dời lên trên triền núi để bảo đảm sức khỏe cho họ cũng như để lấy diện tích canh tác. Đến nay, giáo họ Trại Gáo đã có 210 hộ với 1080 nhân danh.
Tiếng lành đồn xa. Được tin thánh Antôn hay làm phép lạ và nhất là đã thực hiện việc lạ lùng ngay khi tượng ngài được cung nghinh về đây, nhiều người dân trong khu vực, cả giáo lẫn lương, khi gặp khó khăn đều đến cầu khấn ngài. Rất nhiều người đã được Chúa ban ơn qua lời chuyển cầu của thánh nhân. Nhiều người phương xa nghe tin cũng tìm đến với thánh nhân mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn, đau ốm.
Để bày tỏ lòng tri ân về những ơn lành do thánh Antôn đã chuyển cầu cho nhiều người trong và ngoài giáo phận, cũng như để khích lệ các tín hữu đến với thánh nhân nhiều hơn, ngõ hầu được ngài bầu cử cứu giúp, đồng thời noi gương ngài trong việc mến Chúa và yêu người, Đức giám mục giáo phận đã chọn nơi đây làm trung tâm hành hương chính của giáo phận.
Địa chỉ: Xóm 12, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.