Giáo điểm trên cao (1986)

Featured video

Thanks! Share it with your friends!

URL

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Sorry, only registred users can create playlists.
URL


11,198 lượt xem

Giới thiệu

Tên phim gốc: The Mission.
Đạo diễn: Roland Joffé.
Tác giả & kịch bản:  Robert Bolt.
Diễn viên: Robert De Niro, Jeremy Irons, Ray McAnally, Aidan Quinn...
Quốc gia: USA.
Năm sản xuất: 1986
Thời lượng: 125 phút

GIÁO ĐIỂM TRÊN CAO
(THE MISSION)

1. Tóm tắt nội dung phim

Bối cảnh lịch sử của bộ phim vào thời cuối thế kỷ XVIII. Các vị thừa sai Dòng Tên lên vùng cao nguyên (trên thác nước) để truyền giáo cho thổ dân. Vùng này trước kia thuộc địa phận Tây Ban Nha nhưng giờ nhượng lại cho nước Bồ Đào Nha. Vấn đề đặt ra là làm sao đuổi được những người da đỏ đi, mà trên đó các cha thừa sai của Dòng Tên đang giúp họ. Chính vì vậy, thế quyền (chính quyền) nhờ đến Giáo hội can thiệp để các cha Dòng Tên trở về Dòng mình. Tuy nhiên, việc can thiệp của Giáo Hội đã không thành và chiến tranh xảy ra. Bộ phim lồng vào trong đó thực trạng của xã hội là lòng nhiệt thành truyền giáo của các vị thừa sai…

2.1. Ý nghĩa của tiếng sáo của linh mục Gabriel khi lần đầu tiên tiếp xúc với thổ dân



Có lẽ đây là lần đầu tiên thổ dân được nghe một âm thanh kỳ lạ, êm dịu và hay như thế. Bởi vì họ chỉ quen nghe tiếng súng đạn của những người đi săn lùng và đe dọa mạng sống của họ, khiến họ phải khiếp sợ và chạy trốn. Còn lần này thì khác, họ nghe tiếng sáo, và cái gì đó vừa gần gũi vừa thân quen với lòng người, với núi rừng qua tiếng sáo. Khó có thể diễn tả hết cái hay, bởi vì tiếng sáo có thể làm cho mỗi người cảm nhận khác nhau. Nhưng cách chung họ thấy người thổi sáo không có vẻ gì đáng sợ, nên họ đến tận nơi. Phải chăng đây là bước đầu thành công của người đi truyền giáo? Người đứng đầu thổ dân đã bẻ đôi cây sáo và vứt đi. Rồi người khác lại nhặt lên ráp lại (dù không ráp được). Hành động này vừa diễn tả sự tiếc nuối vì hỏng mất “công cụ” tuyệt vời vừa diễn tả sự thân thiện. Họ đã đón nhận người thổi sáo về với họ.

Tôi cảm phục Gabriel, vị linh mục thừa sai đầy đức độ và hiểu lòng người. Ngài biết rằng không dễ để tiếp cận với thổ dân. Làm sao để họ nhận ra mình không như những người da trắng khác, không giết hại họ? Làm sao để họ hiểu lòng mình khi chưa biết tiếng của họ? Và cái chết có thể rình chờ mình khi đặt chân lên vùng cao nguyên… Tất cả những chuẩn bị về tinh thần, tâm lý được ngài gói gọn qua tiếng sáo mà ngài thổi với tất cả tấm lòng. Thổ dân đã hiểu được ngài và đón nhận ngài như người thân của họ.

2.2. Hành trang “nặng nề” mà Rodrigo mang theo, tôi thấy nó là tất cả bộ áo giáp, mũ chiến và gươm giáo mà trước đây Rodrigo đã từng sử dụng để săn lùng thổ dân. Nhưng một hành trang khác còn nặng nề hơn đó là nỗi hối hận vì đã giết đứa em yêu quý của mình. Tính nóng giận và sự háo thắng là tính cách của con người anh. Anh đã dùng vào những việc bất nghĩa. Nên giờ đây hành trang nặng nề mà anh quyết mang theo bên mình để cách nào đó cho lòng anh bớt nỗi ray rứt về tội lỗi, để cho thấy anh không hèn nhát chạy trốn chính con người của mình. Anh muốn đối diện với con người thật của mình và mong một ngày thắng được nó. Đây cũng là gợi ý của Gabriel, vị linh mục hiểu thấu lòng người, đặc biệt trong việc hoán cải anh.



Đường lên giáo điểm đầy khó khăn, nguy hiểm. Các cha thừa sai đã bao lần e ngại cho Rodrigo vì hành trang “nặng nề” ấy. Cha Gioan giúp anh thoát khỏi gánh nặng bằng cách chặt đứt dây và vứt gánh nặng rời xa anh. Nhưng anh lại trở xuống cột lại, kéo đi tiếp. Đường trơn tuột dốc. Kệ. Tuột xuống thì lại leo lên. Trên ghềnh đá cheo leo, rong rêu trơn trượt anh vẫn kéo theo gánh nặng cồng kềnh. Nguy hiểm chết người ư? Anh không sợ. Không ai và không gì có thể cản trở ý chí sắt đá trong con người anh. Anh không bỏ cuộc. Anh đã kiên nhẫn đến lỳ lợm, đã can đảm phấn đấu cách phi thường trong việc quyết mang theo hành trang nặng nề bên mình. Quả là đúng như cha Gabriel nói rằng chỉ có Chúa mới biết khi nào gánh nặng mới thật sự được cắt bỏ. Vì nếu có bỏ đi gánh nặng bên ngoài nhưng gánh nặng trong lòng anh ai sẽ gỡ cho? Khi anh đặt chân lên giáo điểm, trước mặt thổ dân. Rodrigo là người chờ họ phán xét. Tuy nhiên hình ảnh anh đã từng săn lùng thổ dân cách hiên ngang bây giờ không còn nữa, mà thay vào đó là một con người lấm lem bùn đất với hành trang nặng nề được vác lên tận ngọn thác nước. Và chính thổ dân đã cắt cho anh gánh nặng và quẳng nó xuống thác nước. Phép lạ xảy ra quá bất ngờ. Tại sao họ không giết anh? Tại sao họ lại cắt bỏ gánh nặng cho anh? Tại sao họ không để anh tiếp tục vác? … Sững sờ trước tấm lòng bao dung của họ làm cho gánh nặng trong lòng anh bấy lâu bây giờ tan biến. Anh đã khóc. Anh đã thực sự được sống lại, thực sự được giải thoát vì được tha thứ yêu thương. Mọi người cùng đến ôm hôn chia sẻ hạnh phúc đó với anh. Đây chính là giây phút anh được sống lại, được đổi đời.

2.3. Cuộc rước Mình Thánh Chúa của linh mục Gabriel với thổ dân khi cái chết đang chờ họ mang thật nhiều ý nghĩa. Trước tiên đó là hình ảnh anh dũng của những người tử đạo. Họ biết mình sẽ chết. Nhưng chết trong hiên ngang. Một đoàn người không gươm giáo, không vũ khí vẫn tiến lên trong im lặng, bước theo cha Gabriel trong một niềm tin, niềm tín thác vào Thiên Chúa. Họ là hình ảnh của Người Tôi Trung hiền lành như cừu bị đem đi xén lông (Is 45). Họ không dùng vũ khí để chiến đấu, nhưng cách nào đó họ vẫn chiến thắng. Họ có vũ khí là lòng can đảm, là lòng tin và phó thác vào Thiên Chúa. Họ biết mình tin vào ai, mình sống cho ai và chết cho ai. Họ không bị nô lệ cho một quyền bính trần thế nào. Họ hiên ngang thờ Đấng họ tin cho dầu lúc này dường như Thiên Chùa đang im lặng. Họ vẫn tin, vẫn đi, vẫn tiến lên. Súng đạn, cái chết không khuất phục được họ. Thánh Thể bị đổ xuống lại có người tiếp nối nâng lên, đi tiếp. Điều này cho thấy niềm tin của họ đã vững mạnh ngay khi vị mục tử không còn nữa. Hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào lòng họ, gặp đất tốt nó đã lớn lên sinh hoa trái và không thể mai một.



Binh lính, trước đó, đã dao động không dám bắn vào Đấng họ tôn thờ - phải chăng cha Gabriel cũng có hy vọng dù mong manh rằng họ sẽ tha cho cuộc rước? Rằng họ không thể quay lưng với Thiên Chúa, Đấng là chủ tể của họ? Tuy nhiên, vì bị nô lệ cho quyền bính trần gian mà họ phải thi hành theo lệnh. Viên sĩ quan đã không ngần ngại ra lệnh bắn vào cuộc rước Thánh Thể và những người không có khả năng tự vệ. Như thế một khi đã đặt quyền lợi lên trên, người ta dám đạp bỏ tất cả, cho dù là Thiên Chúa, là niềm tin lâu đời. Và điều này cũng cho thấy thổ dân là những con người có tự do, biết tự trọng, họ cần được tôn trọng và được đối xử như những con người chứ không phải là súc vật, là món đồ cho người khác kiếm lời. Hơn nữa, cuộc rước Mình Thánh Chúa còn cho thấy trên thế gian này còn có người dám chết cho đức tin, cho tình yêu của Thiên Chúa chứ không vì bất cứ một lợi lộc trần thế nào. Và linh mục Gabriel, người đã sống cho lý tưởng diễn tả tình yêu Thiên Chúa, cũng nghĩ cách và thực hiện lý tưởng đó đến cùng.

3. Giáo quyền (thông qua vị hồng y) có trách nhiệm như thế nào về cái chết của thổ dân và các nhà thừa sai?

Trong bối cảnh xã hội thời đó, thế quyền thì lo kiếm ra của cải vật chất, còn giáo quyền thì lo cho các linh hồn. Hai bên, cách nào đó có liên hệ hỗ tương với nhau. Chính vì vậy khi thế quyền nhờ Giáo hội can thiệp việc các cha thừa sai (như đã nói trên), thì Giáo hội phải có tiếng nói của mình. Tuy nhiên, Giáo hội đã tỏ ra tùng phục thế quyền. Giáo hội chẳng những không bênh vực cho người thấp cổ bé miệng mà còn trực tiếp ra lệnh đuổi thổ dân đi. Thật đau lòng khi Giáo hội nhân danh ý của Chúa, nhân danh đức vâng phục của những cha Dòng Tên và của chính Giáo hội để ép các cha thừa sai và ép thổ dân đến đường cùng. Giáo hội lo sợ thế lực của đất nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tất cả các cường quốc khác. Sợ họ sẽ trù dập Giáo hội, sẽ tiêu diệt Dòng Tên ở khắp nơi… Sợ và sợ, nên cho dù vị hồng y có đến tận nơi họ ở và thấy tận mắt một thiên đàng ở trần gian này, nhưng vẫn phải ra lệnh một cách hết sức tàn nhẫn: đuổi họ ra khỏi vùng đất mà, với họ, đó là việc Chúa cho họ đến ở và ban cho họ như là nhà của họ vậy. Thế nên chính Giáo hội phải có trách nhiệm đối với cái chết của họ, dù không trực tiếp nhúng tay vào tội ác, nhưng đã thỏa hiệp với tội ác. Giáo hội đang phá hủy căn tính của chính mình là sống tình yêu thương người nghèo và lo cho người nghèo.

Đức hồng y khi viết giấy đệ trình mọi việc lên Đức Thánh Cha, là lúc ngài tỏ thái độ sám hối muộn màng. Ngài biết tội của mình, ngài biết cái thế giới ngài đang sống có những chuyện đau lòng và chính ngài có góp phần vào. Ngài nhận rằng chính ngài đang chết và những người đã chết, các cha thừa sai dù đã chết, nhưng tinh thần của họ sống mãi. Do vậy, việc nhìn lại, sám hối, sửa sai là việc phải làm của Giáo hội.

4. Giả sử bạn là một trong hai nhà thừa sai ấy, bạn sẽ chọn hành động như linh mục Gabriel hay Rodrigo, tại sao?

Bộ phim thật tuyệt vời! Tôi thán phục cả hai hành động của linh mục Gabriel và Rodrigo. Bởi cả hai bổ túc cho nhau. Như đã nói trên, hành động rước Mình Thánh Chúa, là cách mà linh mục Gabriel chọn, mang nhiều ý nghĩa. Vả lại trong cương vị của một linh mục loan báo tình Chúa cách rõ nét, cha đã chọn cách đó vừa phù hợp với tính tình, khả năng và chủ trương yêu là yếu theo gương Thầy Giêsu. Và cha đến đây để giúp thổ dân, ở với họ, yêu mến họ trong tư cách là một linh mục chứ không phải một chiến sĩ để chiến đấu. Tuy nhiên nếu phải chọn, tôi sẽ chọn hành động như Rodrigo. Bởi vì trước tiên là trái tim tôi mách bảo tôi phải làm thế. Tôi không thể làm ngơ để cho thổ dân chiến đấu một mình. Tôi là một thành viên của nhóm họ. Nhờ họ mà tôi được tái sinh, tôi được yêu thương, tin tưởng cậy nhờ. Nên tôi có trách nhiệm với họ. Không phải đương nhiên mà một thằng bé nhỏ biết trở lại dòng suối để kiếm cho được thanh kiếm ngày đó đã được quăng đi. Kiếm đã rỉ sét, cũng đã được em mài dũa sáng bóng. Em trao cho Rodrigo. Đây phải chăng là dấu chỉ để anh phải sử dụng khả năng của mình để giúp họ? Tôi đồng ý việc làm của anh. Tính khí, khả năng và trái tim anh mách bảo cho anh biết điều anh phải làm. Và anh đã hết mình với nhiệm vụ. Tôi hiểu rằng Chúa cũng đồng ý với tôi. Thổ dân cũng như chúng tôi đều sẵng sàng hy sinh cho công lý, hy sinh vì muốn bảo vệ những người yêu thương của mình. Cho dẫu biết là có thể thất bại, nhưng tôi vẫn không thể làm khác. Và cho dẫu như cha Gabriel có nói là sợ tôi làm hỏng việc của Chúa, nhưng tôi vẫn tin là Chúa cũng chúc lành cho việc làm của tôi, đồng thời Chúa cũng chúc lành cho hành động của cha Gabriel.

5. Nhân vị của thổ dân được bộ phim diễn tả ra sao?

Thổ dân, đối với những cha Dòng Tên, là những con người có thân xác và linh hồn như bao người. Họ cần được yêu thương và được đối xử như một con người được Chúa yêu thương và cứu chuộc. Họ cũng có những khả năng sáng tạo trong công việc, làm ra những dụng cụ, sản phấm để phục vụ cho cuộc sống. Họ cũng có đồn điền rộng lớn. Sống tự cung tự cấp, không phải nhờ đến người da trắng. Họ biết hát, biết đàn, biết nhảy múa bằng tất cả tâm hồn của họ. Họ có trái tim yêu thương, tha thứ (tha cho Rodrigo dù anh đã từng lùng bắt họ); họ có tinh thần xây dựng, phát triển và bảo vệ bộ tộc như nhà của mình. Họ cũng hãi hùng và đau xót trước cái chết của những người thân (đứa bé chứng kiến cảnh người ta giết hàng loạt người của bộ tộc mình). Đặc biệt lòng tin vào Chúa nơi họ khiến cho bao người phải kinh ngạc… Nói tóm lại, họ là những con người cần được yêu và các cha thừa sai đã ở lại với họ, chấp nhận cùng sống cùng chết với họ.

Tuy nhiên bộ phim cũng cho thấy, nhìn chung xã hội thời đó không cho thổ dân là những con người, mà còn đánh giá tệ hơn con vật. Thổ dân giống như những con thú rừng mà người ta tổ chức những cuộc đi săn lùng để về bán làm nô lệ. Chính Rodrigo đã từng là người săn lùng và buôn nô lệ chuyên nghiệp. Thổ dân phải làm theo ý chủ mà lại còn bị đánh đập tàn nhẫn. Họ trở thành công cụ làm giàu cho những ông chủ của họ. Và khi có lợi nhuận khác lớn hơn người ta sẵn sàng tiêu diệt dân để có được mảnh đất như ý muốn.

6. Nhân vật mà tôi thích nhất trong bộ phim

Bộ phim Giáo điểm trên cao, tôi được coi mấy lần rồi, và lần nào cũng vẫn hấp dẫn tôi vì nhiều lý do. Các nhân vật trong phim có nhiều điểm hay khiến tôi chú ý. Cha Gabriel là một nhà truyền giáo lý tưởng mà tôi cần học tập. Vì nơi cha tôi nhận ra có Ai Đó đang sống và hành động trong cha. Thằng bé người da đỏ mà trong cảnh huống quan trọng nào cũng thấy. Tôi thích sự tinh ý lanh lẹ và quyết đoán của nó. Nó là tuýp người sau này sẽ giúp lãnh đạo bảo vệ số còn sót lại của thổ dân. Tuy nhiên người mà tôi thích nhất lại là Rodrigo. Bởi vì anh có cá tính mạnh mẽ và lại được biến đổi cũng vì tính mạnh mẽ đó. Anh tự cho mình là người hùng vì đã bắt và giết những thổ dân, một việc không dễ mấy ai làm được. Anh cũng không dễ bị khuất phục vì mất người yêu. Ai đụng vào người anh yêu sẽ không dễ dàng thoát chết cho dù là em trai của mình. Cao ngạo và nóng tính đã dẫn anh đến việc giết chết em mình, đứa em mà anh rất yêu thương. Cũng vì điều này mà anh coi như mình đã chết, anh tự dằn vặt mình và cho rằng không thể đền bù tội lỗi này và cũng không ai có thể giúp anh được. Tuy nhiên “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, cha Gariel đã giúp anh thử sức để vượt lên chính mình. Hành trang nặng nề mà anh mang theo lên giáo điểm là một thách đố đối với chính anh. Anh phải thắng. Vì thế khó khăn cản trở không làm anh nản lòng (như đã nói trên).

Anh nóng tính, phạm lỗi, nhưng quyết sửa sai. Tôi thích tính anh đã quyết là làm không bỏ cuộc. Tôi thích cái lầm lì của anh vì lúc này anh chưa được giải thoát khỏi con người cũ, con người nặng nề bởi tội. Tôi cũng thích giây phút hồi hộp chờ thổ dân định đoạt số phận anh. Và sung sướng chia vui với anh vì anh thật sự được sống lại từ giây phút ấy. Anh biết mình được yêu và anh đáp lại tình yêu cách nhiệt tình và hết mình. Anh hòa đồng với mọi người, cùng họ làm việc cũng như vui đùa với họ. Tuy thế anh đã biết sợ khi phải giết một con heo rừng. Anh không muốn mình là người tàn bạo như trước nữa. Biến đổi nơi anh được nhân lên theo ngày tháng. Nếu ngày trước anh là người không thể khuất phục thì bây giờ anh lại có thể cúi đầu xin lỗi công khai trước mặt mọi người. Hẳn anh không cho đấy là ô nhục vì cách nào đó anh đang đấu tranh cho công lý, cho sự thật rằng anh đã từng buôn bán nô lệ ở trên đất nước này, nhưng bây giờ anh nhìn nhận thổ dân cũng là những con người. Anh đã đấu tranh cho họ và đấu tranh đến cùng. Anh là người hùng của họ nhưng đồng thời cũng là chiến sĩ của Chúa. Anh muốn được chúc lành của Chúa, hẳn trước khi chết anh cũng mong điều ấy cho mọi người. Tôi đồng ý với anh về việc cứu thằng bé nơi chiếc cầu. Đứng trước một chọn lựa sinh tử như thế mà anh vẫn có phản xạ nghiêng về từng sinh mạng, muốn cứu hết mọi người, tôi tin rằng hành động của anh không sai.

7. Bộ phim cho chúng ta bài học nào về sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, cách riêng đối với việc truyền giáo của Giáo hội Việt Nam hôm nay?

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Con người được Thiên Chúa yêu thương cứu chuộc… Tất cả là vì Tình Yêu thúc bách nên Giáo hội sống căn tính của mình tức là truyền giáo, là loan tình Chúa yêu thương con người qua chính hành động cụ thể của mình. Thế nên mọi thời đại, Giáo hội không ngừng nối tiếp công cuộc truyền giáo khởi đi từ các Tông Đồ. Và đó cũng là thực hành sứ mạng Đức Kitô trao phó cho dù có khó khăn cản trở thì sứ điệp Tin Mừng vẫn phải được loan đi, vang xa. Các vị thừa sai Dòng Tên trong bộ phim đã sống chết cho sứ mạng này.

Một người được sai đi và bị giết vì thổ dân. Nhưng không nản, người khác lại tiếp nối, và những người khác nữa tiếp tục, mắt xích được nối dài mãi. Bao nhiêu hiểm nguy vẫn không nao núng. Đã chấp nhận dấn thân đi thì không quản ngại. Tuy nhiên lòng nhiệt thành là một chuyện nhưng việc sống chứng tá thế nào lại là chuyện khác. Bởi làm sao thể hiện được rõ nét dung mạo của Thiên Chúa yêu thương, đồng hành, cảm thông, tha thứ và hiến mạng vì người mình yêu? Tất cả những điều này, những vị thừa sai Dòng Tên trong phim đã phản ánh đúng nghĩa. Họ đã gắn kết với Đức Giêsu trong cầu nguyện, họ đã được biến đổi để trở nên như Ngài, và sẵn sàng sống cho Ngài qua tha nhân. Thế nên khi đến với thổ dân, họ không phải với tư cách là những người đi hô hào hay bắt buộc thổ dân phải học Đạo, phải theo Đạo mà các ngài đã sống với họ. Chỉ khi sống tình yêu thương chân thật, phản ảnh đúng khuôn mặt thật của Thiên Chúa đó là lúc truyền giáo hữu hiệu nhất. Và mặc dù các cha thừa sai đều bị giết chết, nhưng qua bộ phim ta vẫn thấy được mầm sống của Tin Mừng mà các ngài đã gieo vẫn tồn tại. Cụ thể là các em vẫn còn một số ít, không bị diệt vong. Đàng khác các người đang sống như vị hồng y cũng đã nhìn lại mình, đã sám hối. Và như thế có thể nhiều binh lính cũng đã sám hối chăng?

Do đó, qua bộ phim này, hẳn Giáo hội để ý hơn đến việc truyền giáo mà mình đã lãnh nhận. Giáo hội vừa củng cố đời sống tâm linh cho con cái mình, để mạnh dạn sai đi đến những vùng đất mới, đến những người không được nghe biết Tin Mừng. Mặt khác, thái độ của con người chứng tá luôn phải ý thức rằng con người thời nào cũng “cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Bởi nếu chỉ nói hay, viết giỏi mà không sống được như mình nói thì không thuyết phục được người nghe. Do đó, làm sao để lời rao giảng và cách sống của người thừa sai luôn là Tin Mừng Tình Yêu của Chúa cho mọi người, như các cha thừa sai Dòng Tên trong bộ phim đã sống? Bài học này không chỉ dành cho Giáo hội hoàn vũ mà còn cho Giáo hội Việt Nam trong đó cách riêng cho từng kitô hữu.

Kim Nhung

Post your comment

Comments

Be the first to comment
RSS