Lễ Phong Thánh cho hai vị Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

Featured video

Thanks! Share it with your friends!

URL

You disliked this video. Thanks for the feedback!

Sorry, only registred users can create playlists.
URL


10,236 lượt xem

Giới thiệu

Lễ phong thánh Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II



Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng tôn phong hai vị tiền nhiệm Gioan XXIII và Gioan Phaolô II lên bậc hiển thánh, trước sự tham dự rất đông đảo của các hồng y, giám mục, linh mục và giáo dân đến từ các nước.

Chúa nhật 27-4-2014 thực là một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Giới báo chí gọi là ”Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”: lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim và một vị cựu, cùng hiện diện trong buổi lễ, Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI.

Buổi lễ diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô được sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện tại khu vực đền thờ và vùng phụ cận, không kể hàng chục ngàn người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình khổng lồ được bố trí tại một số nơi ở Roma, cũng như tại quảng trường trước nhà thờ chính tòa Milano, cách Roma khoảng 500km. Theo đô trưởng Roma, ông Ignazio Marino, hàng tỷ khán thính giả trên thế giới cũng theo dõi buổi lễ đặc biệt này qua truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Trên thềm đền thờ, bên trái lễ đài từ dưới nhìn lên, được dành cho 150 hồng y và 700 giám mục, còn bên phải được dành cho các vị quốc trưởng, thủ tướng, các quan chức và đại sứ thuộc 120 phái đoàn chính thức của các nước và nhiều cơ quan quốc tế, các đại diện tôn giáo, Chính thống, Anh giáo, và cả Hồi giáo.

Hàng ngàn tín hữu đã qua đêm tại khu vực cạnh quảng trường Thánh Phêrô, để lúc gần 6 giờ sáng, vừa khi được phép, họ tiến ngay vào khu vực dự lễ.

Dưới đây là tiểu sử chính thức của hai vị Giáo Hoàng

Tiểu sử Đức Thánh Cha Gioan XXIII

Angelo Giuseppe Roncalli sinh ngày 25 tháng 11 năm 1881, tại Sotto il Monte, thuộc giáo phận và tỉnh Bergamo. Là con thứ tư của gia đình, ngài được rửa tội cùng ngày. Dưới sự dìu dắt của vị linh mục chính xứ xuất chúng, Cha Francesco Rebuzzini, ngài được đào tạo sâu sắc về phương diện Giáo Hội, một sự đào tạo sẽ nâng đỡ ngài trong lúc khó khăn và gợi hứng cho ngài trong các công tác tông đồ.

Ngài được thêm sức và rước lễ lần đầu năm 1889 và gia nhập chủng viện Bergamo năm 1892. Ngài tiếp tục học cổ điển và thần học tại đây cho tới năm thứ hai thần học. Mới chỉ là một thiếu niên 14 tuổi, ngài đã bắt đầu viết nhật ký thiêng liêng và lưu giữ chúng dưới nhiều hình thức khác nhau cho tới ngày qua đời. Sau này, tất cả các nhật ký này đã được gom lại thành cuốn Nhật Ký Của Một Linh Hồn. Chính tại nơi này, ngài bắt đầu thực hành đều đặn việc linh hướng. Ngày 1 tháng 3 năm 1896, vị linh hướng của Chủng Viện Bergamo, Cha Luigi Isacchi, ghi danh cho ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô; ngài khấn luật dòng này ngày 23 tháng 5 năm 1897.

Từ năm 1901 tới năm 1905, ngài theo học Giáo Hoàng Học Viện Rôma, nơi ngài được giáo phận Bergamo cấp học bổng cho các sinh viên ưu tú. Trong khoảng thời gian này, ngài hoàn tất một năm nghĩa vụ quân sự. Ngài được truyền chức linh mục ngày 10 tháng 8 năm 1904 ở Rôma, tại nhà thờ Santa Maria in Monte Santo in Piazza del Popolo. Năm 1905, ngài được cử làm thư ký cho tân giám mục của giáo phận Bergamo, là Đức Cha Giacomo Maria Radini Tedeschi. Ngài giữ vai trò này cho tới năm 1914, tháp tùng Đức Cha đi thăm viếng mục vụ và tham gia nhiều sáng kiến mục vụ khác như hội đồng giám mục, viết xã luận cho nguyệt san giáo phận tên là La Vita Diocesana (Sinh Hoạt Giáo Phận), đi hành hương và nhiều công trình xã hội khác nhau. Ngài cũng dạy các môn lịch sử, giáo phụ học và hộ giáo tại chủng viện. Năm 1910, khi duyệt lại qui chế của Công Giáo Tiến Hành, Đức Cha giáo phận trao cho ngài việc chăm sóc mục vụ cho các phụ nữ Công Giáo (phân bộ V). Ngài thường xuyên viết cho nhật báo Công Giáo của giáo phận Bergamo. Ngài cũng là một diễn giả cần mẫn, sâu sắc và hữu hiệu.

Đó là những năm ngài tiếp xúc sâu sắc với các vị thánh giám mục: Thánh Charles Borromeo (mà tác phẩm Atti della Visita Apostolica, được hoàn thành tại Bergamo năm 1575, sẽ được chính ngài phát hành sau này), Thánh Phanxicô de Sales và chân phúc Gregorio Barbarigo. Đó cũng là những năm tháng hoạt động mục vụ vĩ đại bên cạnh Đức Cha Radini Tedeschi. Khi vị này qua đời vào năm 1914, Cha Roncalli tiếp tục thừa tác vụ linh mục của mình trong vai trò giáo sư chủng viện và phụ tá linh hướng cho nhiều hiệp hội Công Giáo.

Khi Ý tham chiến vào năm 1915, ngài bị gọi thi hành nghĩa vụ quân sự trong tư cách trung sĩ quân y. Một năm sau, ngài trở thành tuyên úy quân đội, phục vụ tại các bệnh viện quân sự tại hậu phương, và phối hợp việc chăm sóc thiêng liêng và luân lý cho các binh sĩ. Lúc chấm dứt chiến tranh, ngài mở một Cư Xá Cho Các Sinh Viên và chính ngài cũng phục vụ làm tuyên úy cho sinh viên. Năm 1919, ngài được cử làm linh hướng cho chủng viện.

Năm 1921 đánh dấu giai đoạn hai trong cuộc đời của ngài: phục vụ Tòa Thánh. Được Đức Bênêđíctô XV triệu về Rôma làm chủ tịch hội đồng trung ương Hội Truyền Bá Đức Tin của Ý, ngài đi thăm nhiều giáo phận và nhiều giới truyền giáo có tổ chức của Ý. Năm 1925, Đức Piô XI cử ngài làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Bulgaria, nâng ngài lên chức giám mục, hiệu tòa Areopolis. Ngài chọn khẩu hiệu giám mục là Oboedentia et Pax (vâng lời và bình an), một khẩu hiệu được dùng làm chương trình cho đời ngài.

Được phong chức giám mục ngày 19 tháng 3, năm 1925, ngài tới Sophia ngày 25 tháng 4. Sau đó, được cử làm Đại Diện Tòa Thánh đầu tiên tại Bulgaria, Đức Tổng Giám Mục Roncalli tiếp tục phục vụ tại đây cho tới năm 1934, thăm viếng các cộng đoàn Kitô Giáo và phát huy các mối liên hệ tương kính đối với các cộng đoàn Kitô Giáo khác. Ngài có mặt và cung cấp nhiều trợ giúp bác ái trong vụ động đất năm 1928. Ngài âm thầm chịu đựng các hiều lầm cũng như các khó khăn trong thừa tác vụ của mình. Ngài phát triển việc hiểu mình và niềm tự tin cũng như phó thác trong tay Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Ngày 27 tháng 11 năm 1934, Ngài được cử làm Đại Diện Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Trách nhiệm mới của ngài bao trùm một khu vực khá rộng. Giáo Hội Công Giáo hiện diện nhiều cách tại Cộng Hòa non trẻ Thổ Nhĩ Kỳ; Cộng Hòa này đang trong diễn trình đổi mới và tự tổ chức. Thừa tác vụ của ngài đối với người Công Giáo khá đòi hỏi và ngài được tiếng trong cung cách kính trọng của ngài và trong việc đối thoại với người Chính Thống Giáo và Hồi Giáo. Lúc Thế Chiến Hai bùng nổ, ngài đang có mặt tại Hy Lạp, lúc ấy đang bị chiến trận tàn phá. Ngài tìm cách thâu lượm tin tức về tù binh chiến tranh và ra tay cứu sống nhiều người Do Thái bằng cách phát hành nhiều chiếu khán quá cảnh cho họ. Ngày 6 tháng 12 năm 1944, ngài được Đức Piô XII cử làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Paris.

Trong những ngày cuối cùng của chiến tranh và trong những ngày đầu của hòa bình, Đức TGM Roncalli trợ giúp các tù binh chiến tranh và góp tay phục hồi ổn định cho sinh hoạt của Giáo Hội Pháp. Ngài thăm viếng các đền thờ của Pháp và tham dự các lễ lạy bình dân cũng như các biến cố tôn giáo có ý nghĩa hơn. Ngài chăm chú, khôn ngoan và đáng tin trong cách tiếp cận với các sáng kiến mục vụ mới do các linh mục và giám mục Pháp đưa ra. Ngài không ngừng tìm cách nhập thân tính đơn giản của Tin Mừng, cả khi phải đương đầu với những vấn đề ngoại giao phức tạp nhất. Ý muốn trở thành linh mục luôn nâng đỡ ngài trong mọi hoàn cảnh. Lòng đạo đức sâu sắc của ngài được phát biểu rõ ràng trong các thời điểm cầu nguyện và suy ngắm.

Ngày 12 tháng 1 năm 1953, ngài được tấn phong Hồng Y và ngày 25 tháng 1, ngài được cử làm Thượng Phụ Venice. Ngài hân hoan được tận hiến quãng đời sau cùng của ngài cho thừa tác vụ mục vụ trực tiếp, một nguyện vọng ngài luôn trân quí trong đời linh mục. Ngài là một mục tử khôn ngoan và đầy sinh lực, sẵn sàng bước theo chân các vị giám mục thánh thiện mà ngài hằng ngưỡng mộ: Thánh Lorenso Giustiniani, thượng phụ tiên khởi của Venice và thánh Piô X. Càng có tuổi, ngài càng tín thác nơi Chúa Kitô, trong bối cảnh một thừa tác vụ tích cực, mạnh dạn và đầy hân hoan.

Sau khi Đức Piô XII qua đời, ngài đựợc bầu làm giáo hoàng ngày 28 tháng 10 năm 1958, lấy tông hiệu là Gioan XXIII. Trong 5 năm làm giáo hoàng, ngài xuất hiện với thế giới như là hình ảnh đích thực của Người Chăn Chiên Tốt Lành. Khiêm nhường và hiền lành, tháo vát và đảm lược, đơn sơ và luôn tích cực, ngài đảm nhiệm nhiều công trình bác ái phần xác và phần hồn, thăm viếng tù nhân và người bệnh, chào đón người thuộc mọi quốc gia và tôn giáo, biểu lộ một cảm thức phụ tử tuyệt diệu với mọi con người. Huấn quyền xã hội của ngài chứa đựng trong thông điệp Mẹ và Thầy (1961) và Hoà Bình Tại Thế (1963).

Ngài triệu tập công đồng Rôma, thiết lập Ủy Ban Duyệt Xét Bộ Giáo Luật, và triệu tập Công Đồng Vatican II. Là giám mục Rôma, ngài đi thăm các giáo xứ và các nhà thờ trong trung tâm lịch sử và các khu ngoại thành. Nơi ngài, dân chúng nhận ra sự phản ảnh của benignitas evangelica (lòng nhân hậu của tin mừng) nên đã gọi ngài là “vị giáo hoàng nhân hậu”. Một tinh thần cầu nguyện sâu sắc luôn nâng đỡ ngài. Là sức mạnh lèo lái đứng đàng sau phong trào canh tân Giáo Hội, ngài nhập thân sự bình an của một người luôn tín thác hoàn toàn nơi Chúa. Ngài cương quyết tiến bước trên con đường phúc âm hóa, đại kết và đối thoại, và biểu lộ một quan tâm phụ tử muốn vươn tay ra cho tất cả những con cái cơ cực nhất.

Ngài qua đời tối ngày 3 tháng 6 năm 1963, ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong một tinh thần phó thác sâu xa cho Chúa Giêsu, tha thiết được nằm trong vòng tay Người, và được bao bọc bằng lời cầu nguyện của toàn thế giới; dừng như cả thế giới đang quây quần cạnh giường ngài để cùng ngài thở hơi thở yêu thương Chúa Cha.

Đức Gioan XXIII được Đức Gioan Phaolô II phong chân phúc ngày 3 tháng 9 năm 2000 tại quảng trường Thánh Phêrô, trong Năm Đại Thánh 2000.

Tiểu sử Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Karol Józef Wojtyla, được bầu làm giáo hoàng ngày 16 tháng 10 năm 1978, sinh tại Wadowice, Ba Lan, ngày 18 tháng 5 năm 1920.

Ngài là con thứ ba trong số ba người con của ông Karol Wojtyla và bà Emilia Kaczorowska, người đã qua đời năm 1929. Anh trai của ngài là Edmund, một y sĩ, qua đời năm 1932, và cha ngài, ông Karol, một viên hạ sĩ quan của lục quân, qua đời năm 1941.

Lên 9, ngài được rước lễ lần đầu. Và lên 18, ngài được thêm sức. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Wadowice, ngài ghi danh học tại Đại Học Jagellonian ở Krakow năm 1938.

Khi lực lượng chiếm đóng của Quốc Xã đóng cửa trường đại học vào năm 1939, Karol làm việc trong một hầm đá và sau đó trong nhà máy hóa chất Solvay (1940-1944) để kiếm kế sinh nhai và tránh khỏi bị phát vãng qua Đức.

Cảm nhận mình được kêu gọi làm linh mục, năm 1942, ngài bắt đầu theo học đại chủng viện chui của giáo phận Krakow, do Đức TGM Adam Stefan Sapieha điều khiển. Trong thời gian này, ngài là một trong những người tổ chức ra Ban Kịch Sống Động, hoạt động trong bóng tối.

Sau chiến tranh, Karol tiếp tục việc học tại đại chủng viện mới được mở lại, và tại trường thần học của Đại Học Jagellonian cho tới khi được thụ phong linh mục tại Krakow ngày 1 tháng 11 năm 1946. Sau đó, tân linh mục Wojtyla được Đức HY Sapieha gửi tới Rôma, nơi ngài đậu bằng tiến sĩ thần học năm 1948. Ngài viết luận án về đức tin như đã được hiểu trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá. Lúc còn học ở Rôma, ngài dành kỳ nghỉ làm mục vụ cho các các di dân Ba Lan ở Pháp, ở Bỉ và ở Hòa Lan.

Năm 1948, Cha Wojtyla trở về Ba Lan và được cử làm phó xứ tại nhà thờ Niegowic, gần Krakow, và sau đó tại nhà thờ Thánh Florian ở trung tâm thành phố. Ngài là tuyên úy đại học cho tới năm 1951, lúc ngài đi học triết học và thần học một lần nữa. Năm 1953, Cha Wojtyla trình luận án tại ĐH Jagellonian về việc có thể đặt cơ sở cho đạo đức học Kitô Giáo trên hệ thống đạo đức của Max Scheller. Sau đó, ngài trở thành giáo sư thần học luân lý tại Đại Chủng Viện Krakow và tại phân khoa thần học của ĐH Lublin.

Ngày 4 tháng 7 năm 1958, Đức Piô XII cử Cha Wojtyla làm giám mục phụ tá của giáo phận Krakow, hiệu tòa Ombi. Đức TGM Eugeniusz Baziak tấn phong ngài tại Nhà Thờ Chính Toà Wawel (Krakow) ngày 28 tháng 9 năm 1958.

Ngày 13 tháng 1 năm 1964, Đức Phaolô VI của Đức Cha Wojtyla làm Tổng Giám Mục Krakow và sau đó, ngày 26 tháng 6 năm 1967, ngài được phong Hồng Y.

Đức Cha Wojtyla tham dự Công Đồng Vatican II (1962-1965) và đưa ra nhiều đóng góp có ý nghĩa trong việc soạn thảo hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng. Ngài cũng tham dự 5 kỳ họp của Thượng HỘi Đồng Giám Mục trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, Đức HY Wojtyla được bầu làm giáo hoàng và ngày 22 tháng 10, ngài bắt đầu thừa tác vụ của ngài như là Mục Tử của toàn thể Giáo Hội.

Đức Gioan Phaolô II thực hiện 146 cuộc tông du tại Ý, và trong tư cách Giám Mục Rôma, ngài thăm 317 trong tổng số 322 giáo xứ Rôma. Các cuộc tông du quốc tế của ngài lên tới 104; các cuộc tông du này nói lên quan tâm mục vụ thường hằng của Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô đối với mọi Giáo Hội.

Các văn kiện chính của ngài bao gồm 14 thông điệp, 15 tông huấn, 11 tông hiến và 45 tông thư. Ngài cũng viết 5 cuốn sách: Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng (10/1994); Hồng Phúc và Mầu Nhiệm: Kỷ Niệm Lần Thứ 15 Tôi Được Thụ Phong Linh Mục” (tháng 11 năm 1996), Tranh Ba Bức Rôma: Suy Niệm Trong Thi Ca (tháng 3, 2003), Đứng Dậy, Nào Ta Lên Đường (Tháng 5, 2004) và Ký Ức Và Bản Sắc (tháng 2, 2005).

Đức Gioan Phaolô II cử hành 147 lễ phong chân phúc, trong đó, ngài đã phong chân phúc cho 1,338 vị, và cử hành 51 lễ phong thánh cho tất cả 482 vị. Ngài triệu tập 9 mật nghị viện Hồng Y, trong đó ngài tấn phong Hồng Y cho 231 vị (và 1 vị in pectore). Ngài cũng chủ tọa 6 phiên họp toàn thể Hồng Y Đoàn.

Từ năm 1978, Đức Gioan Phaolô II triệu tập 15 phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới: 6 phiên khoáng đại thông thường (1980, 1983, 1987, 1990, 1994 và 2001), 1 phiên khoáng đại bất thường (1985) và 8 phiên đặc biệt (1980, 1991, 1994, 1995, 1997, 1998 [2] và 1999). Ngày 3 tháng 5 1981, một vụ mưu sát Đức Gioan Phaolô II đã diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô. Được bàn tay từ mẫu của Mẹ Thiên Chúa cứu chữa, sau một kỳ dưỡng thương dài tại bệnh viện, ngài đã tha thứ cho kẻ mưu toan sát nhân và, vì ý thức rằng mình đã lãnh nhận một hồng ân vĩ đại, nên ngài đã tăng cường các cam kết mục vụ của ngài một cách quảng đại anh hùng.

Đức Gioan Phaolô II cũng đã biểu lộ quan tâm mục vụ của ngài qua việc thiết lập khá nhiều giáo phận và giáo hạt, và qua việc công bố các bộ giáo luật cho các Giáo Hội La Tinh và Đông Phương, cũng như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Ngài công bố Năm Cứu Chuộc, Năm Thánh Mẫu và năm Thánh Thể cũng như Năm Đại Thánh 2000 để cung cấp cho Dân Thiên Chúa những trải nghiệm thiêng liêng hết sức nồng đậm. Ngài cũng lôi cuốn giới trẻ bằng cách khởi sự cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Không có vị giáo hoàng nào khác từng gặp gỡ nhiều người như Đức Gioan Phaolô II. Hơn 17 triệu 6 trăm nghìn khách hành hương đã tham dự các buổi yết kiến chung vào ngày thứ Tư (tổng cộng 1,160 buổi). Đó là chưa tính các buổi yết kiến đặc biệt cũng như nhiều nghi thức tôn giáo khác (hơn 8 triệu khách hành hương nguyên trong Năm Đại Thánh 2000). Ngài gặp hàng triệu tín hữu trong các cuộc viếng thăm mục vụ tại Ý và trên khắp thế giới. Ngài cũng tiếp nhiều viên chức các chính phủ tới yết kiến, trong đó, có 38 cuộc viếng thăm chính thức và 738 cuộc yết kiến và gặp mặt các quốc trưởng, cũng như 246 cuộc yết kiến và gặp mặt các vị thủ tướng.

Đức Gioan Phaolô II qua đời tại Tông Điện lúc 9 giờ 37 đêm thứ Bẩy, ngày 2 tháng Tư năm 2005, hôm vọng Chúa Nhật Áo Trắng (in albis) hay Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, mà chính ngài thiết lập. Ngày 8 tháng Tư, lễ an táng ngài cách long trọng đã được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô và xác ngài được chôn cất trong hầm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Đức Gioan Phaolô II được Đức Bênêđíctô XVI, vị kế nhiệm cận kề của ngài và là người cộng tác được ngài trân quí trong tư cách tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, phong chân phúc tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 1 tháng 5 năm 2011.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trọng tâm Chúa Nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, mà Đức Gioan Phaolô 2 đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, là những vết thương vinh hiển của Chúa Giêsu Phục sinh.

“Chúa đã tỏ các vết thương ấy lần đầu tiên khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ, chính buổi chiều tối một ngày sau ngày sabát, ngày Phục sinh, nhưng chiều tối hôm ấy không có tông đồ Tôma; và khi nhưng vị khác kể lại với ông là đã thấy Chúa, ông trả lời là sẽ không tin nếu không nhìn thấy và động chạm đến các vết thương của Ngài. 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra tại Nhà Tiệc Ly, giữa các môn đệ, và có cả Tôma; Ngài ngỏ lời với ông và mời ông chạm đến các vết thương của Ngài. Bấy giờ con người chân thành ấy, con người quen đích thân kiểm chứng, liền quỳ xuống trước Chúa Giêsu và thưa: ‘Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!’” (Ga 20,28).

Những vết thương của Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế nơi thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh, những vết thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: “Từ những vết thương của Người, anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24; Xc Is 53,5).

Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã can đảm nhìn những vết thương của Chúa Giêsu, động chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua. Các vị đã không hổ thẹn vì thân thể của Chúa Kitô, không vấp phạm về Chúa, về thập giá của Ngài Is 58,7); không hổ thẹn vì thân mình của người anh em (Xc 58,7), vì nơi mỗi người đau khổ, các vị nhìn thấy Chúa Giêsu. Hai vị là những người can đảm, đầy ơn táo bạo (parresía) của Chúa Thánh Linh, và đã làm chứng cho Giáo Hội và thế giới về lòng từ nhân của Thiên Chúa, về lòng từ bi của Chúa. Các vị đã là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã sống những thảm trạng, nhưng không để chúng lướt thắng. Nơi các vị, Thiên Chúa mạnh mẽ hơn; niềm tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa tể của lịch sử mạnh mẽ hơn; nơi các vị sự gần gũi từ mẫu của Mẹ Maria mạnh mẽ hơn. Nơi hai vị là những người chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô và là chứng nhân về lòng từ bi của Chúa có một “niềm hy vọng sinh động”, cùng với một “niềm vui khôn tả và vinh hiển” (1 Pr 1,3.8). Niềm hy vọng và niềm vui mà Chúa Kitô phục sinh ban cho các môn đệ của Ngài, và không ai và không gì có thể làm cho họ bị thiếu những hồng ân ấy. Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh, được thanh luyện qua cái lò từ bỏ, loại trừ sự gần gũi tội lỗi cho đến tột cùng, đến độ cảm thấy buồn nôn vì chén đắng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị Thánh Giáo Hoàng đã lãnh nhận như hồng ân từ Chúa phục sinh và tiếp đến, các vị đã trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, và được lòng biết ơn đời đời của họ.

Niềm hy vọng và niềm vui này được cảm nghiệm trong cộng đoàn các tín hữu tiên khởi ở Jerusalem, như sách Tông đồ công vụ đã kể lại (Xc 2,42-47). Đó là một cộng đoàn đã sống nòng cốt của Tin Mừng nghĩa là với tình thương, lòng từ bi, đơn sơ và huynh đệ.

Và đó cũng là hình ảnh Giáo Hội mà Công đồng chung Vatican 2 đã có trước mắt. Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã cộng tác với Chúa Thánh Linh để phục hồi và canh tân Giáo Hội theo dạng thức nguyên thủy, dạng thức mà các thánh qua các thế kỷ đã mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã làm cho Giáo Hội tiến bước và tăng trưởng. Trong việc triệu tập Công đồng chung Vatian 2, Đức Gioan 23 đã chứng tỏ một thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã để cho Chúa hướng dẫn, và đối với Giáo Hội, Người là một vị mục tử, một người tôi tớ - lãnh đạo được hướng dẫn bởi Thánh Thần. Đó chính là một sự phục vụ cao cả Người dành cho Giáo Hội; Người là một vị Giáo Hoàng mở rộng lòng cho Chúa Thánh Linh.

Trong việc phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của gia đình. Chính Người đã có lần nói là muốn được người đơi sau nhớ đến như vị Giáo Hoàng của gia đình. Tôi vui lòng nhấn mạnh điều đó trong lúc chúng ta đang sống hành trình Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và với các gia đình, một hành trình mà từ trời cao, chắc chắn Người đang tháp tùng và hỗ trợ. xin cả hai vị tân Hiển Thánh Mục Tử của Dân Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong hai năm hành trình Thượng Hội Đồng Giám Mục này, Giáo Hội ngoan ngoãn tuân theo chỉ dạy của Chúa Thánh Linh trong việc phục vụ mục vụ gia đình. Xin cả hai thánh nhân dạy chúng ta đừng coi các vết thương của Chúa Kitô như cớ vấp phạm, nhưng biết tập trung vào mầu nhiệm từ bi của Chúa, luôn hy vọng, luôn tha thứ, luôn yêu thương.

Post your comment

Comments

Be the first to comment
RSS