Tin-bài mới


  • It's a wonderful life (Cuộc sống tuyệt vời) mãi mãi là bộ phim Giáng Sinh bất tử

    Trên Youtube, khi bạn gõ vào thanh tìm kiếm để nghe bài hát Auld lang Syne từ phim It’s a wonderful life (Cuộc sống tuyệt vời) thì có một lời bình như thế này: Why don’t they make movies like these anymore? (Vì sao người ta không làm những bộ phim như thế này nữa?)

    Lời bình luận được rất nhiều người like. Một câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng thật sự khiến người ta suy nghĩ, không phải suy nghĩ xem vì sao người ta không làm nữa, mà suy nghĩ về cuộc sống hiện đại, xã hội đang bước vào thời kì hậu hiện đại, những giá trị nhân bản của cuộc sống dường như đang mai một, hoặc đang lái sang những hướng khác khiến những người sống hoài cổ và trân trọng quá khứ cảm thấy bối rối và lạc lõng. Những giá trị thuần khiết về mặt đạo đức, những mơ ước giản đơn đã rơi rụng đi nhiều. Người ta không thể bám vào quá khứ để sống, nhưng người ta cần quá khứ để biết nâng niu cái đẹp của cuộc đời. Đấy là điều tôi muốn nói về một trong những bộ phim hay nhất về Giáng Sinh, It’s a Wonderful Life, của Frank Capra đạo diễn năm 1946.

    Bộ phim nói về cuộc đời của George Bailey (James Stewart), người từ khi sinh ra cho đến lúc lập gia đình chưa một lần bước chân rời khỏi thị trấn quê hương Bedford Falls của mình, mặc dù từ khi còn bé anh đã nuôi tham vọng đi khắp nơi trên thế giới. Anh nói: “Có ba âm thanh quyến rũ nhất thế giới, đó là tiếng động cơ tàu lửa, tàu thủy và máy bay.” Vì những âm thanh đó báo hiệu rằng ta sẽ rời khỏi nơi này để đến nơi khác, khám khá cuộc sống mới và vùng đất mới. Nhưng cứ mỗi khi anh sắp thực hiện được ước mơ của mình thì một biến cố nào đó lại xảy ra và giữ anh lại với thị trấn quê hương anh để giúp đỡ mọi người.

    Trong thị trấn có một lão nhà giàu có tên Henry F. Porter (Lionel Barrymore) chuyên cho vay nặng lãi và là cổ đông của hãng tín dụng "Building & Loan", nơi bố của Bailey là một trong những người điều hành. Hoạt động của công ty giống như ngân hàng nhưng những khoản tiền gửi của khách sẽ được dùng để xây dựng những khu nhà kinh phí thấp cho người nghèo, chính vì vậy khi bố của Bailey qua đời, Henry một mực thuyết phục cổ đông của công ty giải thể nó, điều đó đồng nghĩa với việc những người nghèo sẽ không còn có thể có nhà ở giá thấp nữa. Điều duy nhất khiến công ty tiếp tục tồn tại là George buộc phải tiếp quản điều hành công ty trong khi anh đã sẵn sàng mọi thứ để lên đường thực hiện ước mơ của mình. Những biến cố liên tiếp xảy ra, Potter luôn tìm cách mua chuộc hoặc gây thiệt hại cho công ty để anh từ bỏ, nhưng George thà bỏ hết tiền của mình, những đồng tiền dự định cho chuyến trăng mật của anh và vợ để cứu công ty – nơi có thể giúp đỡ được rất nhiều người nghèo khổ.

    Bộ phim cứ vậy, một cuộc chiến của một người đàn ông giữa trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội với chính đam mê của mình, và cuộc chiến chống lại sự tham lam của con người mà lão Potter là đại diện. Đạo diễn Frank Capra đưa ra cho ta một cái nhìn rất rõ ràng giữa thiện và ác hay nói đúng hơn giữa lòng tham và sự khoan dung. Câu chuyện giản dị, giàu tình cảm, những tình tiết hài hước được cài cắm khéo léo. Mỗi cá tính được điển hình hoá, mỗi tính cách được thể hiện nổi bật ở vai trò của mình trong bộ khung tổng thể của cuộc sống. Sự tương phản giữa thiện và ác, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa tuyệt vọng và tình người được nhấn mạnh một cách xuất sắc.

    Nội dung phim dù không phức tạp hay đặc biệt nếu đặt ở tầm tư duy của xã hội hiện đại, nhưng những thông điệp mà bộ phim mang lại luôn luôn có thể áp dụng trong mọi thời đại, thông điệp của sự sẻ chia yêu thương và sống vì người khác. Nếu ai cũng chỉ sống vì mình mà thiếu đi tình yêu gia đình, xã hội thì có lẽ loài người đã tuyệt chủng từ lâu. Mỗi cá nhân chúng ta sống trong cuộc đời đều không thể tồn tại độc lập, tất cả đều có sự tương tác, giao kết, ta sống đời ta nhưng đời ta lại có rất nhiều sợi dây nối với những cuộc đời khác, những số phận khác. George Bailey khi tuyệt vọng nhất định tìm đến cái chết, và anh đã thốt lên: ước gì anh không được sinh ra trong cõi đời này. Nhưng nếu anh không tồn tại thì chuyện gì sẽ xảy ra, em trai anh sẽ chết trong hố băng vì không có ai cứu, ông già dược sĩ sẽ bị đi tù vì đưa nhầm thuốc độc, thị trấn Bedford Falls sẽ bị đổi tên và biến thành một thị trấn khác với toàn những câu lạc bộ rẻ tiền, những người dân nghèo sẽ bị vắt kiệt trong những những căn nhà lụp xụp được cho thuê với giá cắt cổ… Nếu không có George Bailey thì tất cả những điều đó sẽ xẩy ra, những sợi dây liên kết bị biến mất, cuộc sống của nhiều người đi theo những hướng khác sống trong những dòng thời gian khác. Trong một cuộc đời, luôn luôn có những lúc ta cảm thấy như đang chìm trong địa ngục, những địa ngục ở trần gian, nhưng không vì thế mà ta vô trách nhiệm từ bỏ cuộc sống của ta, George Bailey đã sống một cuộc đời cống hiến, đã dành được rất nhiều tình cảm của mọi người, “Chúng ta sẽ không là những kẻ thất bại nếu chúng ta có bạn”.

    Có lẽ chính vì thế, It’s a wonderful life mặc dù không đạt được thành công về mặt thương mại, nhưng nó đã và luôn là một trong những bộ phim đáng xem nhất mỗi dịp Giáng Sinh và năm mới đến. Khi cái lạnh bao phủ lên mặt đất và làm co ro lòng người, thì sự ấm áp của cảm xúc và tình yêu càng cần thiết hơn bao giờ hết, nó làm ta tin vào một tương lai tươi sáng hơn, giúp ta quên một năm cũ còn nhiều vướng mắc. Những điều đó mới chính là thứ con người ta cần trong những giờ phút giao thời.

    Thật không dễ đề tìm được một bộ phim vừa sâu sắc vừa gần gũi với khán giả đại chúng như thế này trong thế giới điện ảnh bây giờ, vẻ đẹp của sự tối giản đã nhường chỗ cho sự tinh tế của một cái đầu phải nghĩ thật sâu để hiểu được vấn đề, những câu hỏi tại sao, những suy nghĩ đầu óc mệt mỏi về những tầng ý nghĩa dày dặc của đạo diễn. Không ai cần phải tranh cãi xem bộ phim nói về điều gì, có hay như mong đợi hay không vì bộ phim của Frank Capra đã chứa đựng sự tinh tế của một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp, cái đẹp của cuộc sống, của tình yêu, tình bạn. Giống như Casablanca, It’s a wonderful life là một bộ phim sống mãi với thời gian, phù hợp với mọi thời đại, không bao giờ bị cũ vì tư tưởng xuyên suốt phim là thứ tư tưởng thuần nhất của con người.

     

    Nguồn: mannup.vn

    Đọc thêm »
  • Giải thưởng điện ảnh "Mirabile Dictu" 2016: Phim “Poveda” được trao giải phim hay nhất

    Mirabile Dictu, Liên hoan Phim Công giáo Quốc tế lần thứ bảy (năm 2016) đã diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng Sáu vừa qua tại khách sạn Palazzo Cardinal Cesi ở Vatican.

    Kết quả, giải phim ngắn hay nhất được trao cho phim The Confession (Xưng tội) của cha John La Raw (Hàn Quốc). Bộ phim nói về một giáo dân xưng tội với một linh mục trẻ. Nhiều năm trước người ấy gây tai nạn chết người vì lái xe trong tình trạng say rượu, sau đó đã bỏ trốn. Tiếng kêu khóc của đứa con của người bị nạn khi ấy khiến cho hối nhân luôn bị lương tâm cắn rứt trong suốt những năm tháng lẩn trốn cảnh sát. Điều người ấy không ngờ là đứa con ấy sau này lớn lên và trở thành một linh mục, chính là vị linh mục đang giải tội cho mình.

    Trong hạng mục phim hay nhất, giải thưởng về tay nhà sản xuất bộ phim Poveda của đạo diễn Pablo Moreno (Tây Ban Nha). Đây là tiểu sử cuộc đời của Thánh Pedro Poveda, một linh mục Tây Ban Nha đã nỗ lực nhằm cách mạng việc giáo dục cho các phụ nữ và trẻ em thiệt thòi trong những năm 30 của thế kỷ trước. “Những người anh chị em của chúng ta thiếu thốn rất nhiều và nay là lúc chúng ta phải nhìn đến những người yếu đuối, đói khát, trần truồng, nhữngtrẻ em không được đến trường”.

    Đạo diễn Peter Schreiner (Áo) giành giải đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim Lampedusa, nội dung phim là cuộc đời của một người tị nạn châu Phi sau khi đến được đảo Lampedusa của Italia.

    Phim tài liệu hay nhất dành cho phim A life is never wasted (Một cuộc đời không hề uổng phí) của Krzysztof Tadej (Ba Lan), nói về hai vị thừa sai tử đạo người Ba Lan đã bị giết ở Peru bởi Sendero Luminoso (Con đường Sáng), tức Đảng cộng sản của quốc gia này.

    Giải của Tổ chức Capax Dei được trao cho  phim Kateri của James Kelty (U.S.A.). Phim kể chuyện cuộc đời của Thánh nữ Kateri Tekakwitha, là người bản địa đầu tiên của châu Mỹ được tuyên thánh năm 2012, do Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.

    Giải thành tựu trọn đời được trao cho ông Bibi Ballandi, người Ý, là một nhà sản xuất truyền hình và người phát hiện những tài năng lớn; ông có khả năng hướng các nghệ sĩ đến với đức tin.

    Liên hoan phim Mirabile Dictu (tiếng Latinh: Thật tuyệt vời để kể lại) được thành lập năm 2010 do sáng kiến của bà Liana Marabini dưới sự bảo trợ của Hội đồng Toà thánh về Văn hóa, nhằm mục đích trình bày Giáo Hội theo một viễn tượng mới: vừa hấp dẫn vừa theo truyền thống. Các bộ phim dự thi có một yếu tố chung là cổ vũ các giá trị đạo đức phổ quát và các hình mẫu tích cực.

    Các giải thưởng của Mirabile Dictu –“Il Pesce d’Argento” (Con cá bạc), lấy cảm hứng từ biểu tượng ban đầu của Kitô giáo–, được coi là giải “Oscar” của điện ảnh Công giáo. Giải nhìn nhận những tác phẩm điện ảnh được lấy cảm hứng từ Kitô giáo cả về đề tài lẫn cách thể hiện.

    Chủ tịch của Liên hoan phim Mirabile Dictu, bà Liana Marabini, là một nhà sản xuất, đạo diễn và nhà xuất bản. Bà dành tâm huyết cho công việc nghiên cứu lịch sử Giáo Hội, và đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ tôn giáo và truyền thông, là điều thường thấy trong những bộ phim do bà sản xuất và các sách do bà xuất bản.


    Minh Đức (WHĐ)

    Đọc thêm »
  • Phim mới ''Ben-Hur'' về tình huynh đệ, phản bội, nô lệ, tình yêu, tha thứ và ơn Cứu độ

    Từ ngày 19/8/2016, bộ phim màn ảnh rộng Ben-Hur đã được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc Hoa Kỳ. Ben Hur là một câu chuyện cổ điển nói về tình huynh đệ, sự phản bội, chế độ nô lệ và tình yêu, sự tha thứ và ơn Cứu độ.

    Ben-Hur phiên bản mới kể về câu chuyện của Giu-đa Ben-Hur (do Jack Huston đóng), Ben-Hur là một hoàng tử bị vu cáo là phản bội bởi chính người anh em nuôi của mình là Messala (do Toby Kebbell đóng), một sĩ quan trong quân đội La Mã. Ben-Hur bị tước danh hiệu hoàng tử và phải tách khỏi gia đình và người yêu của mình (do Nazanin Boniadi đóng), Ben-Hur bị buộc làm nô lệ và trở nên tuyệt vọng.

    Sau nhiều năm trên biển, khúc rẽ ngoạn mục đã đưa Ben-Hur tới một cuộc hành trình lịch sử trở lại quê hương của mình để tìm cách báo thù, nơi mà cơ hội gặp gỡ với Chúa Giêsu thành Nazareth (do Rodrigo Santoro đóng) đã biến đổi cuộc sống của anh và dẫn Ben-Hur khám phá ra ân sủng, lòng thương xót và cuối cùng là ơn cứu rỗi. Bộ phim còn được siêu minh tinh Morgan Freeman trong một màn trình diễn khó quên.

    Ben-Hur không chỉ là một câu chuyện ly kỳ và thú vị, nó cũng là một câu chuyện đã ảnh hưởng hàng triệu con tim và đời sống dân chúng khắp nơi với thông điệp mạnh mẽ về sự tha thứ và sự cứu chuộc. Trong thực tế, phiên bản năm 1959 là bộ phim Hollywood đầu tiên có đặc trưng trình bày Chúa Giêsu như là một nhân vật trung tâm trong câu chuyện.


    Xem trailler của phim Ben Hur (2016)

    Phiên bản phim mới Ben-Hur diễn tả những tình tiết thú vị và điềm đạm, chắc chắn một lần nữa sẽ có tác động mạnh mẽ và lôi cuốn, không chỉ tại các rạp chiếu phim, mà còn trong cuộc sống của tất cả những ai xem phim này.

    (Chúng tôi sẽ biên dịch phụ đề Việt ngữ để trình chiếu phục vụ quý vị cùng các bạn trong thời gian sớm nhất có thể).

    Trong lúc chờ đợi, mời quý vị xem lại phim Ben-Hur phiên bản 1959 của Hollywood.

    PHIMCONGGIAO.NET

    Đọc thêm »
  • Giới thiệu phim: Giải phóng một đại lục: Đức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản

    Liberating a Continent: John Paul II and the Fall of Communism (Giải phóng một đại lục: Đức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản) là tiêu đề bộ phim tài liệu mới về Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang được trình chiếu tại Hoa Kỳ.

    Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời vào ngày 2/4/2005. Trong thánh lễ an táng của ngài có hàng trăm nguyên thủ quốc gia và có khoảng 4 triệu người đã tuôn về Roma để tiễn biệt ngài lần cuối. Đông đảo tín hữu tham dự thánh lễ đó đã hô vang: “Santo subito- phong thánh ngay lập tức.” Sau đó, tiến trình hồ sơ phong thánh cho ngài được tiến triển tốt đẹp. Vào ngày 19/12/ 2009, Đức Bênêđictô XVI đã ký sắc lệnh tuyên bố ngài là bậc đáng kính và ngày 1/5/2011 Đức Gioan Phaolô II đã được phong lên hàng chân phước. Ngày 27/4/2014, Đức Phanxicô đã nâng ngài lên bậc hiển thánh. Bộ phim tư liệu mới này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm về con người vĩ đại - Đức Gioan Phaolô II.

    Bộ phim Giải phóng một đại lục: Đức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản được tường thuật bởi Jim Caviezel, người đóng vai Chúa Giêsu trong bộ phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” do Mel Gibson đạo diễn. Bộ phim đã phỏng vấn rất nhiều nhân vật quan trọng bao gồm Đức Hồng y Stanislaw - Tổng Giám mục Krakow, nguyên thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II; Hanna Suchocka - Thủ tướng Ba Lan từ 1992-1993; Richard Allen - Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ thời Tổng thống Reagan từ 1981-1982, cùng các sử gia, chính trị gia, nhà báo, các giáo sư.

    Bộ phim tư liệu này đã lột tả vai trò quan trọng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc giải phóng cả một đại lục rộng lớn tại Châu Âu. David Naglieri, người viết kịch bản và đạo diễn bộ phim nói với CNA rằng: “Sự khác biệt bộ phim của chúng tôi và các tác phẩm cùng loại trong quá khứ ở chỗ chúng tôi nhìn toàn cảnh cục diện của Trung Tâm và miền Đông Âu và sứ điệp của ngài không những lay động riêng Ba Lan mà cả các quốc gia khác nữa.”

    Cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II từ thời thơ ấu đến khi làm linh mục, giám mục, hồng y và sau đó là giáo hoàng cũng được đề cập trong bộ phim. Lời hiệu triệu của ngài khi khởi đầu sứ vụ giáo hoàng, “đừng sợ- hãy mở cửa cho Chúa Kiô”, đã làm xúc động trái tim thế giới.

    Nhiều chứng nhân được phỏng vấn đã kể lại các cuộc trở về quê hương Ba Lan của Đức Gioan Phaolô II, các hoạt động công khai hay âm thầm của ngài nhằm thúc đẩy việc sụp đổ chế độ cộng sản tại Ba Lan, Liên Xô và Đông Âu. Cuộc trở về Ba Lan lần thứ nhất với 9 ngày vào năm 1979 là điểm đặc biệt. Đức Hồng y Stanislaw đã nhận định cuộc trở về quê hương lần này của Đức Gioan Phaolô II là khởi đầu cho sự sụp đổ chế độ cộng sản tại Balan và làm thay đổi thế giới: “Không có gì nghi ngờ, bạn có thể nói rằng mọi sự bắt đầu từ đó.” Trong dịp này, Đức Gioan Phaolô II khẩn khoản mời gọi dân chúng Ba Lan hãy can đảm và ngài ngỏ lời: “Hãy để Chúa Thánh Thần ngự đến! Xin người canh tân bộ mặt trái đất, canh tân bộ mặt miền đất này.”

    Suốt hơn 26 năm can đảm lên tiếng bảo vệ phẩm giá và quyền con người trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II đã được tường thuật trong bộ phim. Mặc dù đã thành mục tiêu tấn công và bị bắn tại quảng trường Roma vào ngày 13/5/1981, ý chí của ngài không giảm trong việc giúp giải phóng Ba Lan, Liên Xô và các nước Đông Âu thoát khỏi chế độ cộng sản.

    Bộ phim tư liệu này là một tin vui cho mọi người hiểu biết hơn về Đức Gioan Phaolô II. Đặc biệt cuộc đời và sứ vụ giáo hoàng của ngài có một ý nghĩa trổi vượt đối với quê hương và dân tộc Việt Nam. Với tư liệu dồi dào trong bộ phim, nó sẽ đem lại những giá trị thiêng liêng và khuyến khích người Việt noi gương Đức Gioan Phaolô II để cống hiến những khả năng của mình cho sự tự do của dân tộc.

    Xem trailer của phim Giải phóng một đại lục: Đức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

     

    Joseph Nguyễn Văn Thống

     

     

    Đọc thêm »
  • Những cuốn phim Đức Thánh Cha Phanxicô ưa thích

    Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cho hay ít ra cũng có ba cuốn phim đã giúp ngài uốn nắn đời sống tâm linh và luân lý của ngài: phim Rome, Open City (1945) của đạo diễn Roberto Rosellini về Chiến tranh Thế giới thứ II; La Strada (1954) của đạo diễn Federico Fellini; và phim Babette's Feast (1988) của Đan Mạch.

    Cả ba đều nằm trong danh sách 45 “phim hay” do Vatican lựa chọn vào năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngành điện ảnh. Cả ba phim bằng cách riêng đều làm sáng tỏ một trong những chủ đề của giáo triều Phanxicô. Như ngài đã viết trong Tông huấn Evanglii Gaudium (Niềm vui Phúc Âm): "Mỗi khi chúng ta gặp gỡ một người nào đó bằng tình yêu, chúng ta được học hỏi thêm một điều mới lạ về Thiên Chúa.”

    Trong phim Rome, Open City, Ado Fabrizi đóng vai một linh mục anh hùng tên Don Pierro. Cha đã bày tỏ lòng cảm thương đối với người khác trong tác vụ của ngài giữa quân đội Nazi chiếm đóng, và quân kháng chiến. Một chủ chăn “có mùi cừu” và không sợ hãi phải đi tới tận vòng đai, theo lời Đức Thánh Cha thường nói. Don Pierro tìm kiếm những ai bị xã hội khinh rẻ. Pina, một phụ nữ có đức tin vững mạnh nhưng đời sống luân thường không đứng đắn, và hôn phu của bà là Franscesco, một người vô thần bị Đức Quốc Xã lùng bắt.

    Đã có lúc một sĩ quan mật vụ Đức ép cha Don Pierro phải tố cáo một đồng đội kháng chiến của Franscesco, và giả dụ rằng tất cả những người vô thần đều là kẻ thù của Giáo Hội. Đáp lại bằng đức ái, ngài trả lời: "Tôi tin rằng bất cứ người nào tranh đấu cho hoà bình và tự do đều đang đi trên con đường của Thiên Chúa.”

    La Strada chú trọng vào một khía cạnh khác của mối tương quan giữa người bạn đồng hành là lực sĩ Zampano do Anthony Quinn thủ vai và người con gái bình dị Gelsomina do Giulietta Masina đóng. Zampano là một anh chàng vũ phu có những hành vi bạo lực và những ham muốn hạ tiện, nhưng anh ta đã thay đổi nhờ gặp gỡ người con gái khiêm nhu Gelsomina. Cô ta biểu tượng cho “người nghèo khổ” (người điên của Chúa), biệt hiệu này thường được gán cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

    Có lẽ không có cuốn phim nào trình bày tốt đẹp hơn sức mạnh biến cải của một cuộc gặp gỡ cá nhân chân thành hơn là phim Babette’s Feast của Gabriel Axel, trong đó nhân vật chính Babette, một người Pháp tị nạn, trước đây là một đầu bếp nổi tiếng. Bà đã chuẩn bị một bữa tiệc cho một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé tại một vùng hẻo lánh của Đan Mạch. Qua sự lo lắng chăm sóc cho thức ăn và tình bạn, Babette đã biến đổi bữa ăn thành một “câu chuyện tình yêu” trong đó “lòng thương xót và chân lý” gặp gỡ nhau.

    Bữa tiệc với 12 thực khách có hình thức của bữa tiệc Thánh Thể, trong khi các chia rẽ xưa cũ được hàn gắn bởi thức ăn ngon miệng. Ngoài ý nghĩa về bí tích, cuốn phim còn chạm đến các chủ đề khác rất gần gũi với trái tim Đức Thánh Cha: lòng thương xót và cởi mở cho sự ngạc nhiên khi đón nhận niềm vui trong Chúa, tình cộng đồng, và một tình yêu tận hiến, được biểu lộ bởi sự hy sinh thời gian và cố gắng của Babette.

    Ngoài ra, cả ba cuốn phim đều đề cập đến những nhân vật bị tổn thương và những người tội lỗi, chắc chắn cũng nêu cao sự hiểu biết của Đức Thánh Cha Phanxicô về Giáo Hội như một bệnh xá dã chiến sau một trận chiến.

    Trong Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô viết ngài không bao giờ chán việc lập lại những lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Tông huấn Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu): “Là một Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn về đạo đức hay là một ý tưởng cao cả, mà là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một người, có thể đem đời sống tới một chân trời mới và một hướng đi quyết định.”

    Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Những lời này dẫn đưa chúng ta đến chính trọng tâm của Phúc Âm.” Có một châm ngôn của Dòng Tên về “việc tìm gặp Thiên Chúa trong mọi sự”. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này có nghĩa là dùng tất cả mọi sự - kể cả phương tiện phim ảnh – để khuyến khích những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.

     

    Bùi Hữu Thư
    (VietCatholic)

     

    Đọc thêm »
RSS