Tin-bài mới


  • Bộ phim “Thiên Chúa không chết” (God’s Not Dead) đoạt Giải thưởng GMA Dove Awards

    [PhimCongGiao.Net] - Bộ phim chủ đề Kitô giáo khá nổi tiếng của năm 2014 Thiên Chúa không chết (God’s Not Dead) đã chiến thắng ở hạng mục phim truyền cảm hứng nhất của năm tại lễ trao giải thưởng Kitô giáo uy tín hàng đầu thế giới GMA Dove Awards lần thứ 50.

    Diễn viên David A.R. White đã chia sẻ trong một bài phỏng vấn trước đó rằng đã có một người nào đó gửi cho anh một bức ảnh của chiếc xe buýt có dán hình giải thưởng dành cho bộ phim mà anh tham gia diễn xuất. Anh chia sẻ rằng điều đó “thật sự tuyệt vời” và rằng việc bộ phim đang lan rộng trên toàn thế giới quả là một điều kỳ diệu.

    Bộ phim Thiên Chúa không chết của hãng mẹ Pure Flix Entertainment thực sự không nhận được nhiều kinh phí hỗ trợ ban đầu như nhiều bộ phim trước đó nhưng nó vẫn chiếm được một vị trí quan trọng trong lòng khán giả khi đạt doanh thu từ 8,6 - 8,9 triệu USD trong tuần đầu tiên ra mắt tại các rạp.

    Bộ phim này chỉ được chiếu tại 780 rạp trên khắp nước Mỹ, điều này thực sự làm nó lu mờ khi so sánh với con số 4000 rạp công chiếu của những bộ phim hứa hẹn đắt khách khác như Muppets Most Wanted hay Divergent.

    Bộ phim Thiên Chúa không chết kể về một chàng sinh viên mới đến với ngưỡng cửa đại học tên Josh Wheaton (do diễn viên Shane Harper thủ vai). Chàng trai trẻ này đăng ký vào một lớp triết học và gặp phải một ông thầy khét tiếng độc đoán – giáo sư Radisson (Kevin Sorbo thủ vai). Vị giáo sư này bắt các sinh viên của mình phải công nhận rằng “Thiên Chúa đã chết” nếu như muốn có được điểm qua môn của ông. Tuy nhiên Wheaton đã từ chối, một mực phủ nhận điều đó và quyết tâm bảo vệ đức tin của mình.

    Bộ phim đã nhận được hàng loạt sự hỗ trợ từ cộng đồng Kitô hữu cũng như sự xét đoán và phê bình từ những người theo chủ nghĩa vô thần cảm thấy không thoải mái với việc Kitô hữu một mực bảo vệ niềm tin của mình.

    Bộ phim được quay dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Harold Cronk cùng với sự tham gia của hàng loạt các ngôi sao như Kevin Sorbo, Harper, David A.R. White, Phil Robertson… Được ra mắt chính thức tại khắp lãnh thổ Hoa Kỳ vào ngày 21/03/2014 và gặt hái được nhiều thành công trong lòng khán giả khắp nơi.

    Nguồn: BreatheCast

    Đọc thêm »
  • Đạo diễn Mel Gibson xác nhận phần tiếp theo của "The Passion of the Christ"

    [PCG 9/9/2016] - Đạo diễn của bộ phim "Cuộc khổ nạn của Đức Kitô" (The Passion of the Christ), Mel Gibson, đã chính thức tiết lộ về dự án điện ảnh mới nhất của mình sẽ là phần tiếp nối nội dung của "bom tấn" năm 2004, với tên gọi “The Resurrection” (Phục Sinh).

    Trong một lần gặp gỡ đầy bất ngờ trong khuôn khổ ngày hội truyền giáo SoCal Harvest vào cuối tuần qua với mục sư Greg Laurie, Mel Gibson chia sẻ rằng ông đang làm việc chăm chỉ để cho ra mắt phần tiếp theo của “The Passion of the Christ”.

    “Chúng tôi đã nói chuyện về nó. Tất nhiên, đó là một công việc khổng lồ”, Gibson nói. “Và bạn biết đấy, nó không phải là ‘Passion 2’. Nó sẽ được gọi với tên ‘The Resurrection’. Tất nhiên, đây là một dự án lớn và nó sẽ cần đến rất nhiều công sức, vì bạn biết đấy, hãy đọc những gì đã xảy ra [trong Kinh Thánh]”.

    Trước đó, vào hồi tháng Sáu, nhà biên kịch từng góp sức trong thành công của “Heaven is for Real”, Randall Wallace cũng đã tiết lộ rằng: “The Passion mới chỉ là khởi đầu và còn rất nhiều chuyện để kể đến”.

    Mel Gibson cho biết Wallace đang “thực hiện công việc” viết kịch bản cho phần tiếp theo của bộ phim: “Ngoài công việc là một cây bút tài năng, ông ấy còn là một đạo diễn kiệt xuất. Ông ấy là đạo diễn của ‘We Were Soldiers’ và ‘Heaven is for Real’ cùng nhiều phim khác”.

    “The Passion” 2004 là một bản hit của giới Kitô giáo, gây ấn tượng trên màn ảnh rộng toàn cầu.The Passion” 2004 là một bản hit của giới Kitô giáo, gây ấn tượng trên màn ảnh rộng toàn cầu.

    The Passion of the Christ” là một bản hit thương mại vào thời điểm ra mắt, thu về 612 triệu USD trên toàn cầu với chỉ 30 triệu USD chi phí sản xuất, trở thành bộ phim chủ đề tôn giáo có doanh thu cao nhất lịch sử. Bộ phim này cũng được nhận 3 đề cử tại Oscar lần thứ 77.

     

    PHIMCONGGIAO.NET

    Đọc thêm »
  • Tòa Thánh quay video 4K trong lễ tuyên thánh Mẹ Têrêxa

    Khoảng 600 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đổ xô đến Rôma để tường thuật lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, một buổi lễ đang được nhiều người coi là điểm nhấn của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hơn một chục nhà lãnh đạo các nước sẽ tham dự Thánh Lễ.

    Trong số những người phát biểu tại cuộc họp báo đầy chật người tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào lúc 11h30 sáng thứ Sáu 2 tháng 9, có nữ tu Mary Prema Pierick, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái Mẹ Têrêsa, cha Brian Kolodiejchuk, cáo thỉnh viên án tuyên thánh cho Mẹ và ông Marcilio Haddad Andrino, là người đàn ông Brazil đã được chữa lành cách kỳ diệu nhờ lời cầu bầu của Mẹ Teresa.

    Andrino cho biết ông bị nhiễm trùng não và các bác sĩ đã mất hết hy vọng cứu sống ông. Vợ ông là Fernanda đã cầu nguyện với Mẹ Têrêsa và ngay sau đó ông thấy mình được chữa lành khỏi bệnh một cách kỳ diệu. Ông bày tỏ lòng biết ơn Mẹ Têrêsa và nhấn mạnh rằng trường hợp của ông chỉ là một ví dụ về lòng thương xót và tình yêu phong phú của Thiên Chúa. Trong vòng một năm, vợ ông đã có thai và nay họ đã có hai con mặc dù Andrino đã được các bác sĩ cho biết là các loại thuốc mạnh họ tiêm vào người anh trong lúc chữa bệnh cho anh đã làm anh vô sinh. Ông cho rằng hai đứa con của mình là "phần mở rộng của phép lạ đó."

    Về mặt kỹ thuật của Thánh lễ phong thánh, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói với các nhà báo rằng sự kiện này sẽ được quay phim với hệ phân giải cao nhất là 4K và sử dụng chín máy ảnh truyền hình. 

    Cho đến nay, các frames hình trên các videos của VietCatholic gồm 1080 dòng, mỗi dòng có 1920 điểm sáng, từ chuyên môn gọi là pixels.

    Các frames hình Tòa Thánh quay trong thánh lễ tuyên thánh Mẹ Têrêsa gồm 2160 dòng, mỗi dòng có 3840 điểm sáng. Như thế, số điểm sáng gấp 4 lần các videos VietCatholic đang phát. Hình ảnh, do đó, sẽ mịn và đẹp hơn.

    Từ năm 2014, YouTube đã có khả năng phát được 4K. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản thậm chí có khả năng phát được 8K.

     

    Đặng Tự Do

    Nguồn: VietCatholic

     

    Đọc thêm »
  • "Các nữ tu trong trắng", một bộ phim có tầm mức hoàn vũ

    Xem phim: http://phimconggiao.net/cac-nu-tu-trong-trang_f4de49b8d.html

    (Aleteia.org)Câu chuyện dựa trên các sự việc có thật và chẳng có gì đáng hấp dẫn.

    Năm 1945, sau khi bị lính Xô viết hãm hiếp nhiều lần tất cả các nữ tu của một tu viện ở Ba Lan, bảy trong số các nữ tu mang thai. Trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, vừa khốn cùng, vừa nghèo đói, tình trạng của họ chưa từng có và cũng không thể nói với ai. Làm gì bây giờ? Một sơ rời bức tường kín mít để xin một nữ bác sĩ trẻ người Pháp giúp đỡ.

    Một đề tài có thể làm cho nhiều người sợ điều xấu nhất sẽ xảy ra, với tràn lan các cảnh phỏng chừng, tình cảm lẫn lộn, hình ảnh không kín đáo hoặc bị lèo lái. Nhưng không có những chuyện này, trái lại là đàng khác: khởi đi từ một câu chuyện bẩn thỉu và cá biệt, nhà đạo diễn đã đưa khán giả đến tầm mức hoàn vũ mà không rơi vào sự dễ dãi. Không kể lại kịch bản, chúng tôi chỉ nêu lên đây một vài điểm tốt đẹp chính của cuốn phim.

    Trước hết là sự tôn trọng các nhân vật: được tôn lên nhờ hình ảnh rất đẹp (do cùng nhiếp ảnh gia thực hiện phim Des hommes et des dieux) trong sự hài hòa giữa các màu xám, trắng và nâu, máy quay phim luôn đưa ra góc cạnh của lời khấn khiết tịnh, chẳng hạn cho khán giả xem cảnh thân thiết nhất là sinh đẻ mà không toát ra một ly nào cho thấy sự phô bày hay dễ tính chiều theo thị hiếu. Cũng vậy, tất cả nhân vật chính không đóng khung vào một thể loại nào có vẻ giản lược quá mức: tất cả đều phức tạp, mỗi người đều có điểm yếu và ánh sáng của mình, cộng với tài năng diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên. Hoặc, đời sống tu hành được tôn trọng, không có tham vọng cho khán giả xem những cảnh bí mật nhưng tỉ mỉ chính xác đưa ra sự liên tục của một nghi thức hoàn toàn dâng hiến, trong lời ca tiếng hát của các giờ kinh, âm thầm đưa khán giả đi từ Mùa Vọng đến Phục Sinh qua tuần Thương Khó (cố vấn về đời tu không ai khác là linh mục Ligugé).

    Kế đó là tôn trọng khán giả. Đứng trước các thách thức đảo lộn trong việc đón nhận sự sống gây ra trong bạo lực và đặt lại vấn đề ơn gọi của các sơ, các phản ứng sẽ khác nhau và đôi khi bất ngờ. Một nữ cán bộ cộng sản giúp các nữ tu và mẹ bề trên trong việc chọn lựa khủng khiếp, dựa trên tình yêu cho cộng đoàn… Mỗi khán giả, dù tin hay không tin, ở đây họ phải nhận định, không phải chỉ để hiểu thái độ của người này, người kia nhưng nhất là đặt cho chính mình những câu hỏi cơ bản nhất, mà xã hội chuộng giải trí của chúng ta thường che khuất.

    Chúng ta cho sự sống của mình cho đến đâu? Cho đến khi bỏ nó? Cho đến khi trao truyền nó – và bằng cách nào? Làm thế nào để đón nhận người khác, dù người đó là Chúa Kitô, người Do Thái, một em bé không mong muốn? Làm thế nào để mình vẫn là con người, làm thế nào để mình trở thành con người? Qua các nhân vật và qua các thánh giá của họ, cuối cùng khán giả thấy được hy vọng. Vượt lên các hình ảnh, các câu trả lời có sẵn, nữ đạo diễn Anne Fontaine cống hiến cho chúng ta một bài chiêm nghiệm đáng ngưỡng mộ.

    Lm. Denis Dupont-Fauville
    Marta An Nguyễn chuyển dịch

     

    Đọc thêm »
  • Chàng trai Mexicô trong phim "For Greater Glory" sắp được phong thánh

    Bất kì ai đã từng xem bộ phim chiếu năm 2012 For Greater Glory: The True Story of Cristiada (tên tiếng Việt là Cuộc chiến vĩ đại: Câu chuyện có thật về Cristiada) đều sẽ nhớ đến cảnh tử đạo đẫm máu và tàn độc của một thiếu niên vào năm 1920 ở Mexicô. Đó là câu chuyện có thật, và thiếu niên đó, José Luis Sánchez de Río, đang chuẩn bị được tôn phong hiển thánh.

    ĐGH Phanxicô đã chấp nhận vài sắc chiếu được trình lên ngài từ Bộ Phong Thánh, bao gồm một phép lạ được cho là nhờ lời chuyển cầu của Chân phước José, một thành viên trẻ của phong trào Cristero đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo khi chính quyền Mêxicô hạn chế một cách hà khắc các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo.

    Trong phiên bản phim của câu chuyện này, Chân phước José được Mauricio Kuri thủ vai, là người liên tục lặp lại tiếng kêu của phong trào Cristero, "viva Cristo Rey!" có nghĩa là "vạn tuế Đức Ki-tô Vua". Đó cũng là những câu mà Chân phước Miguel Pro và những người khác hét to khi họ bị quan chức chính quyền Mexicô giết chết.

    ĐGH Bênêđictô XVI đã phong chân phước cho ngài vào năm 2005. Website của Vatican trích đăng tiểu sử của Chân phước José: José Sánchez del Río sinh ngày 28 tháng Ba năm 1913, tại Sahuayo, Michioacán, Mexico. Luôn khao khát được bảo vệ đức tin và quyền lợi của người Công giáo, cậu đã theo bước của hai người anh và đã xin phép mẹ để gia nhập phong trào Cristeros. Mẹ của cậu phản đối, và nói rằng cậu còn quá trẻ. Cậu José đã đáp lại: "Mẹ ơi, xin đừng để con bỏ lỡ cơ hội đạt được hạnh phúc Nước Trời một cách dễ dàng và nhanh chóng."

    Vào ngày 5 tháng Hai năm 1928, chàng trai đã bị bắt trong một trận chiến và bị giam giữ ở phòng áo của nhà thờ. Để khủng bố tinh thần của cậu, bọn lính đã cho cậu xem cảnh một thành viên Cristeros bị bắt khác đang bị treo. Nhưng José đã khích lệ người đó: "Anh sẽ được lên thiên đàng trước tôi. Hãy chuẩn bị một chỗ cho tôi. Nói với Đức Ki-tô Vua rằng tôi sẽ sớm ở với Ngài."

    Trong tù, cậu cầu nguyện với chuỗi Mân Côi và hát các bài ca đức tin. Cậu đã viết một bức thư tuyệt đẹp cho mẹ mình, nói với bà rằng cậu đã phó mình cho thánh ý Thiên Chúa. Cha của José đã nỗ lực chuộc con mình ra nhưng không thể gom đủ tiền kịp thời gian.

    Vào ngày 10 tháng Hai năm 1928, chàng trai đã bị tra tấn một cách tàn độc và da lòng bàn chân đã bị lóc ra; sau đó họ ép buộc cậu bước đi trên muối, sau đó lết bộ từ thị trấn ra tới nghĩa trang. Chàng trai trẻ đã hét lên trong đau đớn nhưng vẫn không bỏ cuộc.

    Những lần quân lính dừng lại và nói: “Nếu mày kêu lên, 'cái chết cho Ki-tô Vua,’ chúng tao sẽ tha cho mày sống.” Nhưng José đã trả lời: “Vạn tuế Đức Ki-tô Vua! Vạn tuế Đức Bà Guadalupe!”

    Một lần nữa khi đã tới nghĩa địa, José được hỏi một lần cuối rằng có từ bỏ niềm tin của mình hay không. Chàng trai 15 tuổi đã hét lên: “Vạn tuế Đức Ki-tô Vua!” và cuối cùng cậu bị bắn chết.

    Chân phước José sẽ được ĐGH Phanxicô tôn phong hiển thánh vào ngày 16/10/2016.

    Minh Nhật

    Đọc thêm »
RSS