Kết quả tìm kiếm: cong-giao


  • Đức TGM Fulton Sheen tái xuất hiện trên màn bạc trong một phim tài liệu mới

    Denver, Colo., (CNA/EWTN News).- Một cuốn phim tài liệu về cuộc đời Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đang được trình chiếu trước khi được phát hành toàn nước Mỹ, trong nỗ lực nâng cao tẩm hiểu biết nơi công chúng về cố Tổng Giám mục mà tiến trình phong thánh hiện đang được tiến hành.


    Cuốn phim tài liệu dài hàng giờ này nhan đề “Archbishop Fulton J. Sheen: Servant of All (Tổng giám mục Fulton J. Sheen: Người tôi tớ của mọi người)”, vừa để thưởng ngoạn vừa đưa ra một sứ điệp mạnh mẽ về cuộc đời rao giảng Tin Mừng của vị Tổng Giám mục thời danh này (1895-1979). Phim gồm cả những lời chứng của hàng chục cá nhân đã từng xúc cảm và ảnh hưởng vì cuộc đời của vị TGM. Phim cũng còn có những đoạn trích từ show truyền hình rất phổ biến của ngài, đó là chương trình “Life is Worth Living (Cuộc đời đáng sống).”

    Ngay từ thời còn trẻ đã nổi danh vừa là một học giả vừa là con người thánh thiện, TGM Sheen, sau khi được thụ phong linh mục năm 1919, đã cam kết cầu nguyện hàng ngày một Giờ Thánh trước Thánh Thể Chúa. Ngài vẫn duy trì việc thực hành đó suốt 60 năm còn lại trong đời, và cho rằng sự thành công trong việc truyền bá Tin Mừng của mình có được là do Giờ Thánh hàng ngày đó.

    Ở tuổi 30, TGM Sheen đã nổi tiếng là một học giả Công giáo, với những bằng cấp do nhiều trường đại học ở Hoa kỳ và châu Âu cấp. Ngài giảng dạy tại trường Đại học Công giáo Hoa kỳ, và sinh viên túa đến chật ních cả giảng đường, có khi phải ngồi cả trên những lò sưởi, để nghe ngài giảng dạy.

    Nổi tiếng là một nhà diễn thuyết giỏi, TGM đã đi nhiều nơi trên thế giới để diễn giảng, lôi kéo có khi cả 10 ngàn người đến nghe một con người có nhân cách lôi cuốn và một sứ điệp mạnh mẽ. Một thính giả đã phát biểu: “Bạn có thể được cảm nghiệm như đang thấy một trong các vị Thánh Tông đồ đang nói ngay trước mặt bạn.”

    Vào năm 1930, TGM Sheen được yêu cầu tham dự vào buổi phát thanh hàng tuần trên radio trong chương trình “The Catholic Hour (Giờ Công giáo).” Và ít lâu sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục phó của giáo phận New York năm 1951, ngài bắt đầu chương trình truyền hình “Life is Worth Living (Cuộc đời đáng sống).”

    Chẳng mấy chốc, mỗi tuần đã có tới 30 triệu người Mỹ mở đài truyền hình để xem TGM Sheen. Ngài trình bày thông điệp của mình bằng tính cách vừa khôn ngoan, duyên dáng vừa dí dỏm, hài hước. Chỉ sau mùa truyền hình thứ nhất, ngài đã được giới điện ảnh tưởng thưởng một giải Emmy, và đây là lần đầu tiên và duy nhất một nhà truyền hình tôn giáo được vinh dự đó.

    Tuy thành công lớn lao trong lãnh vực truyền thanh và truyền hình, vị TGM này vẫn giữ được tính khiêm tốn và hào phóng. Tiền bạc nhận được do các show này, cũng như của nhiều người hiến tặng, ngài đều gửi cho Hiệp hội Truyền bá Đức tin là hội ngài được đề cử làm giám đốc.

    Khi Công đồng Vatican II nhóm họp, TGM Sheen đã đến nói về vai trò của Giáo Hội trong việc chăm sóc người nghèo khó trên thế giới. Cũng tại cuộc họp này, ngài lôi kéo được sự chú ý của vị Hồng y sau này sẽ trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hồng y đã học Anh ngữ khi nghe các buổi phát thanh phát hình của TGM Sheen.

    Trong những năm sau đó, TGM Sheen bắt đầu mất dần đi tính cách phổ thông trong quảng đại quần chúng vì ngài công khai ủng hộ các quyền dân sự và chỉ trích cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ngoài ra, một số người còn thấy ngài còn giữ tính cách quá truyền thống sau Công đồng Vatican II.

    Năm 1966 ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Rochester và giữ chức vụ này ba năm trước khi về hưu ở tuổi 74. Những năm còn lại trong đời, ngài mạnh mẽ hoạt động để củng cố và đề cao chức linh mục. Sức khoẻ ngài suy giảm dần và đã phải trải qua một cuộc giải phẫu tim.

    Tổng Giám mục Sheen qua đời ngày 9 tháng 12 năm 1979, thi thể được tìm thấy trước Thánh Thể trong nhà nguyện riêng của ngài.

    Án phong chân phước và tuyên thánh cho Tổng Giám mục Sheen được mở năm 2002. Hiện nay ngài được tôn phong lên bậc Tôi tớ Chúa, và Giáo Hội tiếp tục xem xét cuộc đời và sự nghiệp của ngài, gồm cả 66 cuốn sách ngài đã viết.


    Phụng Nghi

    Đọc thêm »
  • Chúa Giêsu Kitô trong điện ảnh

    Khuôn mặt của Chúa Kitô, trong lịch sử, luôn là nguồn cho mọi sự chờ mong lớn lao và là đối tượng những cuộc bút chiến, nhất là trong giới điện ảnh, nơi có rất nhiều những nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên cảm nhận được nhu cầu chuyển thể hoặc thể hiện câu chuyện cuộc đời Người lên màn ảnh, lôi kéo những tràng pháo tay hoặc những chỉ trích từ một quần chúng nói chung khá say mê. Giới điện ảnh quốc tế đã sản xuất nhiều phim khác nhau về một hoặc nhiều khía cạnh cuộc đời và kinh nghiệm của Chúa Giêsu Nazaret.

    Claudia di Giovanni, công tác tại thư viện phim Vatican, giải thích cho chúng ta những lý do sự say mê đến cuồng dại của phim ảnh đối với khuôn mặt nhân vật Kitô.

    “Chúa Giêsu chiếm một vị trí căn bản trong phim ảnh…nếu chúng ta trở ngược về thời kỳ đầu của điện ảnh, chúng ta sẽ thấy rằng các tình tiết trong Phúc Âm rất thường xuyên được thề hiện…Người ta nhớ lại tất cả những [phim về sự] Thương Khó ấy…Sau đó, một  cách âm thầm, phim ảnh bắt đầu phát triển, mà vẫn không từ bỏ việc thể hiện các câu chuyện về Chúa Giêsu Kitô ở trên màn ảnh, chỉ vì đề tài nầy, Chúa Kitô, theo một  ý nghĩa nào đó, là một chủ đề luôn có tính thời sự!”

    Trong 100 năm điện ảnh, nhân vật Giêsu đã là tâm của những bộ phim mang tính chất phê bình chỉ trích cao, do các diễn viên và đạo diễn diễn xuất hoặc thực hiện như Franco Zeffirelli, Mel Gibson, Robert Powell và Jim Caviezel. Một số phim tỏ ra rất thời sự và rất gần với thực tế đương thời.

    “Đã hẳn ngày nay chúng ta quen với một Chúa Kitô rất gần gũi với nhân loại, bởi vì xét cho cùng, bộ phim chắc chắc đã gây ra nhiều tranh luận nhất là bộ phim Cuộc Khổ Nạn, cho thấy toàn bộ Đường Thập Giá. Hơn nữa, đưa lên màn ảnh những giờ phút cuối đời của Chúa Giêsu đồng nghĩa với đặt con người đối diện với một thực tại rất nặng nề nghiệt ngã, nhưng là thực tế”.

    “Chúng ta cũng có những bộ phim như Chúa Giêsu ở Montréal na ná như một lời chỉ trích đối với xã hội thập niên 1980, nhưng thể hiện cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong đau khổ mà con người phải chịu và do vậy tôi cho rằng Chúa Kitô Kinh Thánh, trong bất luận trường hợp nào, cũng có rất nhiêu điều để kể qua phim ảnh”.

    BTGH (H2O News)

    Đọc thêm »
  • Liên hoan Phim Công giáo Quốc tế Mirabile Dictu

    Liên hoan Phim được khởi xướng từ năm 2010 với ý định tạo không gian gặp gỡ cho các nhà sản xuất và các nhà làm phim: phim tài liệu, phim phóng tác, phim truyền hình, phim ngắn và những chương trình thúc đẩy các giá trị đạo đức phổ quát và các mẫu gương tích cực.

    Liên hoan Phim Công giáo Quốc tế Mirabile Dictu là một tổ chức độc lập, theo sáng kiến của Liana Marabini, được Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa bảo trợ, nhằm trình bày Giáo Hội theo một quan điểm mới: vừa hấp dẫn vừa mang tính truyền thống.


    Mirabile Dictu là một nơi dành riêng quy tụ các diễn viên, đạo diễn, và các nhà làm phim cùng quan tâm đến lịch sử và các giá trị của Giáo Hội.

    Chủ tịch và người sáng lập Liên hoan phim Mirabile Dictu, Liana Marabini, là một nhà sản xuất, đạo diễn và biên tập. Bà chuyên về lịch sử Giáo Hội, và đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ và truyền thông tôn giáo, nội dung của những bộ phim và các tác phẩm của bà.

    Bà Liana Marabini cho biết: “Mục đích của hội nghị là liên kết lại với nhau, để giới thiệu mạnh hơn về không chỉ là các nhà làm phim mà còn các đạo diễn, biên kịch, các tài tử, các nhà sản xuất, phát hành các bộ phim Công giáo. Tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng trong thực tế.”

    Giải thưởng của Mirabile Dictu, “Il Pesce d’Argento” (Cá bạc, tiếng Ý), lấy cảm hứng từ biểu tượng của Kitô giáo thời sơ khai. Các thể loại được trao giải gồm có: Phim hay nhất, Phim tài liệu hay nhất, Phim ngắn hay nhất, Diễn viên chính nam/nữ hay nhất, Đạo diễn hay nhất và Giải thưởng thành tựu trọn đời.

    (Theo mirabiledictu-icff.com)
    Nguồn: WHĐ

    Đọc thêm »
  • Bùng nổ phim lấy chủ đề Kinh Thánh ở Hollywood

    Các xưởng phim và nhà làm phim đang tái khám phá một chủ đề cổ điển làm tài liệu nguồn cho các phim theo xu thế chủ đạo sắp tới đó là Kinh Thánh.

    Một cảnh trong bộ phim “Son of God” (Ảnh: Lightworkers Media)

    Gần 10 năm sau sự thành công của bộ phim bom tấn của Mel Gibson “Cuộc khổ nạn của Đức Kitô”, thu được 611,9 triệu Mỹ kim trên toàn thế giới, các xưởng phim đang dựa vào Kinh Thánh để tìm tài liệu hay.

    Các phim sắp tới bao gồm:

    * LD Entertainment đang tài trợ tài chính cho bộ phim “Resurrection” (“sự Phục sinh”), loạt sự kiện diễn ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu chết, được điều hành bởi “Hatfields & McCoys” đạo diễn Kevin Reynolds.

    * Paramount sẽ phát hành bộ phim “Noah”, phóng tác trị giá 125 triệu Mỹ kim có Russell Crowe đóng vai chính vào năm 2014.

    * 20th Century Fox đang thực hiện bộ phim “Exodus”, diễn viên chính Christian Bale đóng vai Môisê.

    * Warner Bros có phim lấy đề tài về Môisê mang tựa đề “Gods And Kings”, do Steven Spielberg làm đạo diễn.

    * Warner Bros. cũng đang thực hiện một bộ phim về Phôngxiô Philatô, được biết có sự góp mặt của Brad Pitt.

    * Sony đang dàn dựng bộ phim “The Redemption of Cain” của Will Smith, bộ phim nói về sự kình địch giữa hai anh em Cain và Abel.

    * Lionsgate đang thực hiện bộ phim “Mary Mother of Christ”, “cuốn phim mô tả những sự việc xảy ra trước phim ‘Cuộc khổ nạn của Đức Kitô’” có Ben Kingsley tham gia.

    Song song với loạt phim lấy chủ đề Kinh Thánh sắp tới này, các nhà sản xuất đến từ chương trình truyền hình “The Bible” của kênh History thông báo rằng phóng tác phim “Son of God” sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào tháng Hai với hãng 20th Century Fox.

    Cặp đôi Mark Burnett và diễn viên chính trong phim “Touched by an Angel” Roma Downey nói kết hợp Hollywood với Kinh Thánh có thể khó khăn.

    “Nó không chỉ là một câu chuyện. Sẽ phải trả giá nếu không đi đúng hướng và không thể tìm được người cố vấn thích hợp”, Burnett, người sản xuất bộ phim “The Voice” và “Survivor”, nói.

    Khi trình bày với một nhóm trẻ em, đôi này cho biết họ được nhắc nhớ một câu: “Xin đừng làm cho nó nhàm chán”.

    “Có ý định tốt vẫn chưa đủ. Nó phải được trình bày một cách phù hợp với khán giả đương thời”, Downey, người đóng vai Mẹ Chúa Giêsu trong phim bộ này, nói.


    Nguồn: Religion News Service / UCAN

     

    Đọc thêm »
RSS