Những cuốn phim Đức Thánh Cha Phanxicô ưa thích
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cho hay ít ra cũng có ba cuốn phim đã giúp ngài uốn nắn đời sống tâm linh và luân lý của ngài: phim Rome, Open City (1945) của đạo diễn Roberto Rosellini về Chiến tranh Thế giới thứ II; La Strada (1954) của đạo diễn Federico Fellini; và phim Babette's Feast (1988) của Đan Mạch.
Cả ba đều nằm trong danh sách 45 “phim hay” do Vatican lựa chọn vào năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngành điện ảnh. Cả ba phim bằng cách riêng đều làm sáng tỏ một trong những chủ đề của giáo triều Phanxicô. Như ngài đã viết trong Tông huấn Evanglii Gaudium (Niềm vui Phúc Âm): "Mỗi khi chúng ta gặp gỡ một người nào đó bằng tình yêu, chúng ta được học hỏi thêm một điều mới lạ về Thiên Chúa.”
Trong phim Rome, Open City, Ado Fabrizi đóng vai một linh mục anh hùng tên Don Pierro. Cha đã bày tỏ lòng cảm thương đối với người khác trong tác vụ của ngài giữa quân đội Nazi chiếm đóng, và quân kháng chiến. Một chủ chăn “có mùi cừu” và không sợ hãi phải đi tới tận vòng đai, theo lời Đức Thánh Cha thường nói. Don Pierro tìm kiếm những ai bị xã hội khinh rẻ. Pina, một phụ nữ có đức tin vững mạnh nhưng đời sống luân thường không đứng đắn, và hôn phu của bà là Franscesco, một người vô thần bị Đức Quốc Xã lùng bắt.
Đã có lúc một sĩ quan mật vụ Đức ép cha Don Pierro phải tố cáo một đồng đội kháng chiến của Franscesco, và giả dụ rằng tất cả những người vô thần đều là kẻ thù của Giáo Hội. Đáp lại bằng đức ái, ngài trả lời: "Tôi tin rằng bất cứ người nào tranh đấu cho hoà bình và tự do đều đang đi trên con đường của Thiên Chúa.”
La Strada chú trọng vào một khía cạnh khác của mối tương quan giữa người bạn đồng hành là lực sĩ Zampano do Anthony Quinn thủ vai và người con gái bình dị Gelsomina do Giulietta Masina đóng. Zampano là một anh chàng vũ phu có những hành vi bạo lực và những ham muốn hạ tiện, nhưng anh ta đã thay đổi nhờ gặp gỡ người con gái khiêm nhu Gelsomina. Cô ta biểu tượng cho “người nghèo khổ” (người điên của Chúa), biệt hiệu này thường được gán cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
Có lẽ không có cuốn phim nào trình bày tốt đẹp hơn sức mạnh biến cải của một cuộc gặp gỡ cá nhân chân thành hơn là phim Babette’s Feast của Gabriel Axel, trong đó nhân vật chính Babette, một người Pháp tị nạn, trước đây là một đầu bếp nổi tiếng. Bà đã chuẩn bị một bữa tiệc cho một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé tại một vùng hẻo lánh của Đan Mạch. Qua sự lo lắng chăm sóc cho thức ăn và tình bạn, Babette đã biến đổi bữa ăn thành một “câu chuyện tình yêu” trong đó “lòng thương xót và chân lý” gặp gỡ nhau.
Bữa tiệc với 12 thực khách có hình thức của bữa tiệc Thánh Thể, trong khi các chia rẽ xưa cũ được hàn gắn bởi thức ăn ngon miệng. Ngoài ý nghĩa về bí tích, cuốn phim còn chạm đến các chủ đề khác rất gần gũi với trái tim Đức Thánh Cha: lòng thương xót và cởi mở cho sự ngạc nhiên khi đón nhận niềm vui trong Chúa, tình cộng đồng, và một tình yêu tận hiến, được biểu lộ bởi sự hy sinh thời gian và cố gắng của Babette.
Ngoài ra, cả ba cuốn phim đều đề cập đến những nhân vật bị tổn thương và những người tội lỗi, chắc chắn cũng nêu cao sự hiểu biết của Đức Thánh Cha Phanxicô về Giáo Hội như một bệnh xá dã chiến sau một trận chiến.
Trong Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô viết ngài không bao giờ chán việc lập lại những lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Tông huấn Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu): “Là một Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn về đạo đức hay là một ý tưởng cao cả, mà là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một người, có thể đem đời sống tới một chân trời mới và một hướng đi quyết định.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Những lời này dẫn đưa chúng ta đến chính trọng tâm của Phúc Âm.” Có một châm ngôn của Dòng Tên về “việc tìm gặp Thiên Chúa trong mọi sự”. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này có nghĩa là dùng tất cả mọi sự - kể cả phương tiện phim ảnh – để khuyến khích những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.
Bùi Hữu Thư
(VietCatholic)
Đọc thêm »