Kết quả tìm kiếm: hoa-ky


  • John Wayne, tài tử điện ảnh và việc trở lại Công giáo

    John Wayne (*) đối với nhiều người là một huyền thoại của Hollywood, người tượng trưng cho nam tính đích thực và các giá trị của người Mỹ. Dù vậy, đối với Cha Matthew Muñoz, ông chỉ đơn giản là một “người ông”.

    John Wayne, ảnh chụp năm 1959“Lúc còn nhỏ, chúng tôi thường đến nhà ông; đơn giản vì chúng tôi muốn ở với ông, chơi với ông và được vui vẻ với nhau. Một hình ảnh rất khác với điều mà hầu hết mọi người có về ông”, Cha Muñoz nói với CNA trong lần đến Rôma mới đây.

    Cha Muñoz được 14 tuổi khi ông nội của cha qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1979. Trong suốt cuộc đời mình, “The Duke” (một trong những biệt danh của John Wayne) đã đoạt 3 giải Oscar, Huy chương Vàng Quốc hội và được Tổng thống trao tặng Huân chương Tự do sau khi qua đời. Dù vậy, trong tất cả những thành tựu đó, Cha Muñoz chỉ tự hào một điều - đó là việc người ông của Cha trở về với đức tin Công giáo.

    “Bà tôi, Josephine Wayne Sáenz, đã có một tầm ảnh hưởng tuyệt vời trên cuộc sống của tôi và là người giới thiệu tôi với thế giới Công giáo”, Cha Muñoz, 46 tuổi, là một linh mục của Giáo phận Orange ở California, cho biết.

    “Ông tôi luôn trung thành với các sự kiện và các cuộc gây quỹ của Giáo Hội mà bà tôi đã luôn lôi kéo ông, và tôi nghĩ rằng, sau một thời gian, ông có cảm nghĩ rằng quan điểm thế tục chung về người Công giáo và điều mà ông đã thực sự trải nghiệm riêng, đã trở thành hai điều hết sức khác biệt”.

    Ông bà của Cha Muñoz kết hôn vào năm 1933 và có 4 người con, người con út - Melinda - là mẹ của cha. Hai ông bà đã ly hôn về mặt dân sự vào năm 1945, dù vậy, vì là một người Công giáo, bà Josephine đã không tái hôn cho đến khi ông John Wayne qua đời. Bà cũng không bao giờ ngừng cầu nguyện cho việc trở về của chồng mình - lời cầu nguyện đã được nhậm lời vào năm 1978.

    “Ông là bạn rất thân của Đức Tổng Giám mục GP. Panama, Tomas Clavel, và Đức TGM là người khuyến khích ông và cuối cùng ông tôi nói: “OK, tôi sẵn sàng”.

    Do việc thay đổi người lãnh đạo ở Panama, Đức TGM Clavel bị trục xuất khỏi quê hương của ngài vào năm 1968. Ba năm sau, Đức Hồng y Timothy Manning, lúc đó là TGM Los Angeles, đã mời Đức TGM Clavel đến Quận Cam (Orange County), nơi ngài từng phục vụ với cương vị là mục tử cho một nửa trong số 600.000 người thuộc cộng đồng châu Mỹ Latinh thuộc Quận Cam.

    Tuy nhiên, lúc mà Wayne thỉnh cầu thì Đức TGM Clavel đã quá yếu để thực hiện chuyến đi đến tư gia của diễn viên điện ảnh này.

    Vì vậy, Đức TGM Clavel đã gọi điện cho Đức TGM McGrath” - Cha Muñoz kể - giải thích rằng Đức TGM McGrath là người kế vị Đức TGM Clavel trong Tổng Giáo phận Panama.

    “Mẹ và cậu của tôi có mặt tại đó khi ngài đến. Vì thế, không còn nghi ngờ gì về việc liệu ông của tôi có được rửa tội hay chưa. Ông muốn được rửa tội và trở thành người Công giáo” - Cha Muñoz nói - “Thật là tuyệt vời được chứng kiến ông gia nhập đức tin Công giáo và làm nhân chứng cho cả gia đình”.

    Cha Muñoz cũng nói rằng người ông của cha đã biểu lộ sự nuối tiếc vì đã không trở thành người Công giáo sớm hơn vào tuổi thanh xuân, cha giải thích rằng “đó là một cảm nghĩ ông tỏ bày trước lúc lâm chung”, ông nói rằng “vì cuộc sống bận rộn”.

    Dù vậy, trước khi trở lại Công giáo, cuộc sống của John Wayne không có tín ngưỡng.

    “Từ thời niên thiếu, ông đã có một cảm nhận tốt về điều đúng và điều sai. Ông được trưởng thành với nhiều nguyên tắc Kitô giáo và là người ‘sống đức tin Thánh Kinh’, tôi nghĩ việc đó có ảnh hưởng rất lớn đối với ông”, Cha Muñoz nói rằng ông của ngài thường viết về Đấng Tối Cao.

    “Ông viết những lá thư tình tuyệt vời gửi Thiên Chúa và đó chính là những lời cầu nguyện. Những lá thư đó có giọng điệu như trẻ con và rất đơn sơ nhưng đồng thời cũng rất ấn tượng”, cha kể.

    “Và đôi khi sự đơn sơ đó trông có vẻ ngây thơ nhưng tôi nghĩ có một sự khôn ngoan sâu xa trong sự đơn sơ của ông”.

    Cha Muñoz tóm tắt hệ thống cấp bậc giá trị của ông của ngài là “Thiên Chúa đứng hàng đầu, kế đến là gia đình, sau đó mới đến đất nước”. Đó là một bộ ba mà cha thấy được phản ánh lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bộ phim của ông. Ông tin những giá trị đó cần thiết ở Hollywood ngày nay và nếu “Duke” còn ở đây, ông sẽ là người chỉ đạo trọng trách đó.

    “Ông tôi là một người tranh đấu. Tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều điều ông cảm thấy thất vọng và buồn. Nhưng tôi không nghĩ ông sẽ mất hy vọng. Tôi nghĩ sẽ ông trông đợi thời đại hiện nay như là một thời điểm của đức tin. Mọi người đang sống trong khủng hoảng và họ đang tìm kiếm một điều gì đó có ý nghĩa hơn, chính đáng hơn”, Cha Muñoz nói.

    “Vì vậy, tôi nghĩ ông sẽ nhìn vào tình trạng ngày nay và nói “đừng nản lòng!” Tôi nghĩ ông sẽ nói là hãy nhập cuộc. Đừng trốn trong vỏ ốc và phòng thủ với Hollywood. Hãy nhập cuộc và trở thành một đại diện cho điều tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng ông sẽ làm điều đó. Và đó là những gì ông đã từng làm lúc sinh thời”.


    Mai Trang (chuyển ngữ từ CNA/EWTN)
    ----------------------------------------------------------------

    * John Wayne có tên thật là Marion Mitchell Morrison (1907-1979), là một diễn viên điện ảnh, đạo diễn và nhà sản xuất của Mỹ. Ông là hình ảnh thu nhỏ của nam tính và trở thành một hình tượng của nước Mỹ.

    Đọc thêm »
  • Đức TGM Fulton Sheen tái xuất hiện trên màn bạc trong một phim tài liệu mới

    Denver, Colo., (CNA/EWTN News).- Một cuốn phim tài liệu về cuộc đời Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đang được trình chiếu trước khi được phát hành toàn nước Mỹ, trong nỗ lực nâng cao tẩm hiểu biết nơi công chúng về cố Tổng Giám mục mà tiến trình phong thánh hiện đang được tiến hành.


    Cuốn phim tài liệu dài hàng giờ này nhan đề “Archbishop Fulton J. Sheen: Servant of All (Tổng giám mục Fulton J. Sheen: Người tôi tớ của mọi người)”, vừa để thưởng ngoạn vừa đưa ra một sứ điệp mạnh mẽ về cuộc đời rao giảng Tin Mừng của vị Tổng Giám mục thời danh này (1895-1979). Phim gồm cả những lời chứng của hàng chục cá nhân đã từng xúc cảm và ảnh hưởng vì cuộc đời của vị TGM. Phim cũng còn có những đoạn trích từ show truyền hình rất phổ biến của ngài, đó là chương trình “Life is Worth Living (Cuộc đời đáng sống).”

    Ngay từ thời còn trẻ đã nổi danh vừa là một học giả vừa là con người thánh thiện, TGM Sheen, sau khi được thụ phong linh mục năm 1919, đã cam kết cầu nguyện hàng ngày một Giờ Thánh trước Thánh Thể Chúa. Ngài vẫn duy trì việc thực hành đó suốt 60 năm còn lại trong đời, và cho rằng sự thành công trong việc truyền bá Tin Mừng của mình có được là do Giờ Thánh hàng ngày đó.

    Ở tuổi 30, TGM Sheen đã nổi tiếng là một học giả Công giáo, với những bằng cấp do nhiều trường đại học ở Hoa kỳ và châu Âu cấp. Ngài giảng dạy tại trường Đại học Công giáo Hoa kỳ, và sinh viên túa đến chật ních cả giảng đường, có khi phải ngồi cả trên những lò sưởi, để nghe ngài giảng dạy.

    Nổi tiếng là một nhà diễn thuyết giỏi, TGM đã đi nhiều nơi trên thế giới để diễn giảng, lôi kéo có khi cả 10 ngàn người đến nghe một con người có nhân cách lôi cuốn và một sứ điệp mạnh mẽ. Một thính giả đã phát biểu: “Bạn có thể được cảm nghiệm như đang thấy một trong các vị Thánh Tông đồ đang nói ngay trước mặt bạn.”

    Vào năm 1930, TGM Sheen được yêu cầu tham dự vào buổi phát thanh hàng tuần trên radio trong chương trình “The Catholic Hour (Giờ Công giáo).” Và ít lâu sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục phó của giáo phận New York năm 1951, ngài bắt đầu chương trình truyền hình “Life is Worth Living (Cuộc đời đáng sống).”

    Chẳng mấy chốc, mỗi tuần đã có tới 30 triệu người Mỹ mở đài truyền hình để xem TGM Sheen. Ngài trình bày thông điệp của mình bằng tính cách vừa khôn ngoan, duyên dáng vừa dí dỏm, hài hước. Chỉ sau mùa truyền hình thứ nhất, ngài đã được giới điện ảnh tưởng thưởng một giải Emmy, và đây là lần đầu tiên và duy nhất một nhà truyền hình tôn giáo được vinh dự đó.

    Tuy thành công lớn lao trong lãnh vực truyền thanh và truyền hình, vị TGM này vẫn giữ được tính khiêm tốn và hào phóng. Tiền bạc nhận được do các show này, cũng như của nhiều người hiến tặng, ngài đều gửi cho Hiệp hội Truyền bá Đức tin là hội ngài được đề cử làm giám đốc.

    Khi Công đồng Vatican II nhóm họp, TGM Sheen đã đến nói về vai trò của Giáo Hội trong việc chăm sóc người nghèo khó trên thế giới. Cũng tại cuộc họp này, ngài lôi kéo được sự chú ý của vị Hồng y sau này sẽ trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hồng y đã học Anh ngữ khi nghe các buổi phát thanh phát hình của TGM Sheen.

    Trong những năm sau đó, TGM Sheen bắt đầu mất dần đi tính cách phổ thông trong quảng đại quần chúng vì ngài công khai ủng hộ các quyền dân sự và chỉ trích cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ngoài ra, một số người còn thấy ngài còn giữ tính cách quá truyền thống sau Công đồng Vatican II.

    Năm 1966 ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Rochester và giữ chức vụ này ba năm trước khi về hưu ở tuổi 74. Những năm còn lại trong đời, ngài mạnh mẽ hoạt động để củng cố và đề cao chức linh mục. Sức khoẻ ngài suy giảm dần và đã phải trải qua một cuộc giải phẫu tim.

    Tổng Giám mục Sheen qua đời ngày 9 tháng 12 năm 1979, thi thể được tìm thấy trước Thánh Thể trong nhà nguyện riêng của ngài.

    Án phong chân phước và tuyên thánh cho Tổng Giám mục Sheen được mở năm 2002. Hiện nay ngài được tôn phong lên bậc Tôi tớ Chúa, và Giáo Hội tiếp tục xem xét cuộc đời và sự nghiệp của ngài, gồm cả 66 cuốn sách ngài đã viết.


    Phụng Nghi

    Đọc thêm »
RSS