Kết quả tìm kiếm: giai-thich


  • Về bộ phim "Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu"

    Hỏi: Thưa Cha, ngoài cuốn tiểu thuyết "Da Vinci code", vài năm trước đây con có biết một cuốn phim được hình thành để chống báng Đức Giêsu. Con không có đi xem nhưng nghe nói tác giả cũng cho Đức Giêsu lấy bà Mađalêna làm vợ. Nếu được, xin Cha giải thích thêm về cuốn phim trên. (Huyền, France).

    Linh mục Theophile trả lời:

    Cuốn phim chị nêu trong câu hỏi có tựa đề: "Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu", do ông Martin Scorcese làm đạo diễn. Đức Giêsu là một trong những nhân vật lịch sử  được nhiều người nói đến. Có những người bênh vực, cũng có những người chống đối, bôi nhọ.

    Thật vậy, dù được yêu hay bị ghét, nhân vật Giêsu ít để ai có thể lãnh đạm. Vì thế, vào năm 1955, tác giả Nikos Kazantzaki xuất bản một tiểu thuyết nhan đề "Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu". Cuốn sách ra đời đã gặp phải nhiều phản ứng chống đối dữ dội. Năm 1988, đạo diễn Martin Scorcese lại đưa tác phẩm đó lên màn ảnh. Và một lần nữa, một làn sóng phản ứng lại nổi lên chống đối. Martin Scorcese đã biện hộ: "Phim được thực hiện không phải để làm mất đi hình ảnh thiêng liêng của Đức Kitô. Đối với tôi, đến với Đức Giêsu là một hành động của niềm tin. Nhưng tôi đi từ tiểu thuyết chứ không đi từ Tin Mừng, bởi vì cách tiếp cận của Nikos Kazantzaki làm tôi thích thú. Đó là khám phá ra phần nhân tính của Đức Kitô bởi những phương tiện cũng hoàn toàn nhân loại như tâm lý học và trí tưởng tượng".

    Cuốn sách cũng đã được dịch giả Bích Phượng dịch ra Việt ngữ do nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản năm 1988.

    Chúng ta chủ ý tìm hiểu xem tại sao cuốn sách và cuốn phim đó bị những làn sóng chống đối đến từ những người Kitô hữu.

    1. Nikos Kazantzaki là ai?

    Nikos Kazantzaki (Kasantzakis) gốc người Hy Lạp, sinh tại Candie, thuộc xứ Crète vào năm 1883 và qua đời tại Fribourg en Brisgau (Đức) năm 1957. Ông học Luật tại thành Athènes, học triết tại Paris, và một thời dấn thân vào chính trị.

    Ông viết sách, biên soạn kịch: kịch Nicéphore Phocar năm 1927; kịch Ulysse năm 1928; anh hùng ca Odysée năm 1938; Alexis Zorba năm 1954; Cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu năm 1955. Ngoài ra còn có cuốn Người nghèo thành Assise về thánh Phanxicô khó khăn… Về triết học, Nikos Kazantzaki cũng có những biên soạn về Nietzche và Bergson.

    Nikos Kazantzaki có một cuộc sống đi tìm dò triết học và thiêng liêng day dứt. Theo chính lời tác giả đã một lần cho biết khuôn mặt Đức Giêsu luôn luôn quyến rũ ông thâm sâu.

    2. Tóm tắt nội dung cuốn truyện

    Khi phát hành cuốn truyện Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu năm 1955, Nikos Kazantzaki cho đó như lời chứng riêng biệt. Trong lời tựa, tác giả trình bày như sau: "Cuốn sách này không phải là một cuốn tiểu sử. Đây là lời tuyên xưng của một người chiến đấu. Khi xuất bản nó, tôi đã hoàn thành nghĩa vụ. Đó là nghĩa vụ một người đã nhiều lần vật lộn, đã nhiều lần day dứt trong cuộc sống và đã nhiều lần hy vọng. Tôi tin rằng mỗi một người tự do đọc cuốn sách này với tình yêu thương và từ đó còn yêu thương Đức Kitô hơn bao giờ hết".

    Những cơn cám dỗ trong nội tâm Đức Giêsu được tác giả trình bày từ khoảng giữa cuốn sách, nơi chương 17 đến chương 33. Trong cám dỗ thứ nhất, có một con rắn hiện ra với cặp mắt và bộ ngực người phụ nữ. Đó là cám dỗ ao ước có được một cuộc sống bình thường. Con rắn mắng nhiếc Đức Giêsu và gợi ý người cần Đức Giêsu cứu vớt chính là Maria Mađalêna chứ không phải trần gian. Tâm tư Đức Giêsu dao động với cuộc sống an lành, hạnh phúc của một cuộc sống rất bình thường. Con rắn muốn Đức Giêsu rút lui trước sứ mạng, nhưng nó đã không thành công.

    Cơn cám dỗ thứ hai với cám dỗ đến từ con sư tử. Nếu con rắn cám dỗ sự ham muốn nơi con người đàn ông với người phụ nữ và cuộc sống an nhàn hạnh phúc, thì con sư tử cám dỗ chính bản thân con người. Sư tử biểu tượng quyền hành và đưa tới cái ao ước được "cưới thế giới".

    Cơn cám dỗ thứ ba là cám dỗ thống trị thế giới với hình ảnh vị Tổng lãnh Thiên Thần rực chói. Cám dỗ đòi các vinh quang dành cho thần tính Đức Giêsu và kiêu ngạo ỷ mình. Dù bị xua đuổi nhưng Lucifer thề nguyền sẽ trở lại vào dịp lễ "Vượt qua".

    Từ đó, Nikos Kazantzaki tưởng tượng thử thách cuối cùng đến với Đức Giêsu trên thập giá. Tác giả viết cơn cám dỗ cuối cùng từ chương 30 đến chương 33. Trên thập giá, Đức Giêsu đã ngất lịm trong cơn hấp hối, nhưng vẫn đi vào một giấc mơ có được một cuộc sống êm ả với vợ con như mọi người. Thương Khó chỉ là một giấc mơ, và Đức Giêsu có thể lập nên một gia đình với Maria Mađalêna, và sau đó là với Matta và Maria.

    Hư cấu câu chuyện cũng làm đổi đi một vài đoạn Tân Ước. Vì thế, trong sách truyện có một đoạn nói về ông Phaolô rao giảng về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu lại cố gắng cho Phaolô hiểu những điều đó không thể nào xảy ra và tất cả chỉ là điều dối trá. Phaolô trả lời: "Trong sự thối nát, bất công và nghèo đói của đời này. Đức Giêsu bị đóng đinh, Đức Giêsu sống lại là điều an ủi duy nhất và quý hiếm cho con người lương thiện và bị đọa đày. Giả dối hay sự thật, không quan trọng. Chỉ cần thế giới được cứu độ".

    Chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết trình bày Đức Giêsu dưới hình ảnh một ông già tìm gặp lại các môn đệ. Cuộc đối thoại xảy ra giữa thầy trò thật nặng nề và hung hăng. Đức Giêsu bị trách cứ hèn nhát và phản bội… cho đến lúc Đức Giêsu nghe tiếng kêu là Ngài không hèn nhát, không phản bội. Lúc đó Ngài thật sự bị đóng đinh trên thập giá và trung thành cho đến cùng. Cơn cám dỗ đến nhưng đã đi. Các môn đệ sống và phát triển. Họ ra đi rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu kêu lên: Mọi sự đã hoàn tất.

    Nikos Kazantzaki chấp nhận Đức Giêsu đã trung thành cho đến chết như lời tác giả bạch lộ trong lời tựa: "Ngài không phải là kẻ phản bội… Ngài không phải là kẻ đào ngũ. Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ Thượng Đế giao phó. Ngài không cưới vợ, không sống một cuộc đời hạnh phúc. Ngài đạt tới đỉnh cao của sự hy sinh: Ngài bị đóng đinh trên thập giá". Và trong đoạn văn cuối: "Hài lòng nhắm mắt. Rồi một tiếng la chiến thắng vang lên: Thế là đã hoàn tất. Và nghe chừng Ngài nói: mọi việc đã bắt đầu". Mọi việc bắt đầu cho Giáo Hội, cho những người đang theo vết chân Ngài. Họ đang đi trên trần gian và sẽ còn bị gặp cám dỗ và thử thách. Họ được kêu mời trung thành như Ngài đã làm cho tới cái chết trên thập giá.

    3. Cuốn sách đáng khen hay đáng trách?

    Khi cuốn sách được xuất bản, cũng như được dựng thành phim đã gặp nhiều chống đối và lên án. Thật sự, có nhiều người chống đối nhưng cũng chưa hề đọc hay đi xem cuốn phim. Lược qua nội dung đưa chúng ta có một vài suy tư.

    Đức Giêsu trong tiểu thuyết Nikos Kazantzaki là Đức Giêsu viết theo sản phẩm trí tưởng tượng, câu chuyện hoàn toàn được hư cấu nên đã dễ gây tranh luận vì nó đã đụng chạm tới tín ngưỡng những người tin vào Đức Kitô. Đức Giêsu của Nikos Kazantzaki bị nhiều độc giả lẫn lộn với Đức Giêsu của Giáo Hội. Ý tưởng Đức Giêsu bị cám dỗ cũng đủ để gây nhiều ngạc nhiên, và đưa cơn cám dỗ cuối cùng qua cái nhìn dục tính thì càng làm cho nhiều anh chị em tín hữu bực bội. Họ cho Nikos Kazantzaki bôi nhọ hình ảnh Đức Giêsu, và Ngài không thể nào là đối tượng của những cái tưởng tượng thấp hèn như vậy. Nikos Kazantzaki bị coi như đã đụng chạm đến niềm tin Kitô giáo.

    Cuốn truyện Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu là một tiểu thuyết luận đề, đến từ óc tưởng tượng phong phú để nói lên một nhân sinh quan của tác giả về sự tranh đấu không ngừng giữa thiện và ác, giữa xác thịt với tinh thần. Trong Lời tựa, tác giả minh bạch: "Nỗi thống khổ chủ yếu của tôi và nguồn gốc mọi thú vui, buồn bực từ thuở thiếu thời là một chiến đấu không ngừng ác liệt giữa tinh thần và thể xác".

    Nikos Kazantzaki một cách nào đó đã trả lời câu hỏi của Đức Giêsu: "Các con bảo Thầy là ai?". Ông trả lời theo cái nhìn riêng biệt. Ông không là nhà thần học và không trả lời theo đúng Giáo lý Hội Thánh. Đức Giêsu của Nikos Kazantzaki không phải là Đức Giêsu của người Kitô hữu, nhưng là của riêng ông. Ông là nhà văn, dùng hư cấu nhắm thực hiện mục đích. Và Đức Giêsu qua nhãn quan Nikos Kazantzaki là một con người như hết thảy mọi người chúng ta. Cái nhìn này cũng chẳng có gì mới lạ, vì ngay trong Tin Mừng người dân làng Nazareth cũng chỉ coi Đức Giêsu là một con người: "Ông này chỉ là con bác thợ mộc". Các môn đệ khi thấy Đức Giêsu quát gió và sóng biển cũng tự nói: "Ông này là ai mà cả ma quỷ và sóng biển phải vâng phục?". Nên quan niệm của Nikos Kazantzaki coi Đức Giêsu là một con người như mọi người cũng không có gì quá đáng. Con người đó bị cám dỗ nhưng đã vươn lên chiến thắng, và trở nên mẫu gương cho con người. Đức Giêsu theo Nikos Kazantzaki luôn trung thành với Thiên Chúa Cha cho đến giây phút cuối cùng trên thập giá. Vì thế tác giả mới có thể nói qua trong cuốn sách: Lời tựa "Nếu chúng ta muốn theo Ngài, chúng ta phải hiểu sâu sắc về sự xung đột của Ngài. Chúng ta phải sống lại nỗi thống khổ của Ngài: sự chiến thắng của Ngài trên cạm bẫy tràn lan của trần gian, sự hy sinh của Ngài về những thú vui lớn nhỏ của con người, và sự đi lên của Ngài từ hy sinh đến hy sinh, từ kỳ công đến kỳ công, để đi đến đỉnh cao việc tử vì đạo là thập giá"… "cám dỗ chiến đấu đến cùng để làm Ngài lạc lối, và cám dỗ đã thất bại. Chúa Cứu Thế đã chết trên thập giá, và ngay lúc đó, sự chết đã bị chinh phục vĩnh viễn".

    Nikos Kazantzaki không viết tiểu sử Đức Giêsu, và cuốn truyện Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu cũng không phải là một tiểu sử nhưng nó được viết ra chuyển tải một chủ thuyết nhân bản. Tác giả lấy con người Đức Giêsu và coi Ngài như mẫu mực nhưng ông đã không theo hình ảnh Đức Giêsu chính thống như các sách Tin Mừng.

    Kết luận

    Chúng ta không biết Nikos Kazantzaki có lòng tin vào Đức Giêsu hay không, nhưng có điều chắc chắn ông là tiểu thuyết gia và đưa ra hình ảnh một Đức Giêsu được tiểu thuyết hóa để chuyển tải chủ thuyết của tác giả. Đề tài qua hư cấu ảo có hơi quá đáng vì nó dễ đụng chạm đến lòng tín ngưỡng của nhiều Kitô hữu.

    Đức Giêsu của Nikos Kazantzaki hẳn không phải là Đức Giêsu của lịch sử và của người tín hữu. Tác giả tôn trọng và coi Đức Giêsu như một con người vĩ đại vì đã trung thành cho đến chết, nhưng người tín hữu còn đi sâu hơn nữa vì Đức Giêsu là Thiên Chúa và là người thật. Ngài cũng bị cám dỗ như các tác giả Nhất Lãm ghi lại trong Tin Mừng. Có nhiều người đã sa ngã trong cám dỗ, nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng để trở nên mẫu gương của lòng trung thành. Ngài kêu gọi chúng ta phải luôn sống trong cầu nguyện và tỉnh thức để khỏi sa vào cạm bẫy của cám dỗ.

    Đọc thêm »
RSS