Điện ảnh Công giáo


  • "Các nữ tu trong trắng", một bộ phim có tầm mức hoàn vũ

    Xem phim: http://phimconggiao.net/cac-nu-tu-trong-trang_f4de49b8d.html

    (Aleteia.org)Câu chuyện dựa trên các sự việc có thật và chẳng có gì đáng hấp dẫn.

    Năm 1945, sau khi bị lính Xô viết hãm hiếp nhiều lần tất cả các nữ tu của một tu viện ở Ba Lan, bảy trong số các nữ tu mang thai. Trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, vừa khốn cùng, vừa nghèo đói, tình trạng của họ chưa từng có và cũng không thể nói với ai. Làm gì bây giờ? Một sơ rời bức tường kín mít để xin một nữ bác sĩ trẻ người Pháp giúp đỡ.

    Một đề tài có thể làm cho nhiều người sợ điều xấu nhất sẽ xảy ra, với tràn lan các cảnh phỏng chừng, tình cảm lẫn lộn, hình ảnh không kín đáo hoặc bị lèo lái. Nhưng không có những chuyện này, trái lại là đàng khác: khởi đi từ một câu chuyện bẩn thỉu và cá biệt, nhà đạo diễn đã đưa khán giả đến tầm mức hoàn vũ mà không rơi vào sự dễ dãi. Không kể lại kịch bản, chúng tôi chỉ nêu lên đây một vài điểm tốt đẹp chính của cuốn phim.

    Trước hết là sự tôn trọng các nhân vật: được tôn lên nhờ hình ảnh rất đẹp (do cùng nhiếp ảnh gia thực hiện phim Des hommes et des dieux) trong sự hài hòa giữa các màu xám, trắng và nâu, máy quay phim luôn đưa ra góc cạnh của lời khấn khiết tịnh, chẳng hạn cho khán giả xem cảnh thân thiết nhất là sinh đẻ mà không toát ra một ly nào cho thấy sự phô bày hay dễ tính chiều theo thị hiếu. Cũng vậy, tất cả nhân vật chính không đóng khung vào một thể loại nào có vẻ giản lược quá mức: tất cả đều phức tạp, mỗi người đều có điểm yếu và ánh sáng của mình, cộng với tài năng diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên. Hoặc, đời sống tu hành được tôn trọng, không có tham vọng cho khán giả xem những cảnh bí mật nhưng tỉ mỉ chính xác đưa ra sự liên tục của một nghi thức hoàn toàn dâng hiến, trong lời ca tiếng hát của các giờ kinh, âm thầm đưa khán giả đi từ Mùa Vọng đến Phục Sinh qua tuần Thương Khó (cố vấn về đời tu không ai khác là linh mục Ligugé).

    Kế đó là tôn trọng khán giả. Đứng trước các thách thức đảo lộn trong việc đón nhận sự sống gây ra trong bạo lực và đặt lại vấn đề ơn gọi của các sơ, các phản ứng sẽ khác nhau và đôi khi bất ngờ. Một nữ cán bộ cộng sản giúp các nữ tu và mẹ bề trên trong việc chọn lựa khủng khiếp, dựa trên tình yêu cho cộng đoàn… Mỗi khán giả, dù tin hay không tin, ở đây họ phải nhận định, không phải chỉ để hiểu thái độ của người này, người kia nhưng nhất là đặt cho chính mình những câu hỏi cơ bản nhất, mà xã hội chuộng giải trí của chúng ta thường che khuất.

    Chúng ta cho sự sống của mình cho đến đâu? Cho đến khi bỏ nó? Cho đến khi trao truyền nó – và bằng cách nào? Làm thế nào để đón nhận người khác, dù người đó là Chúa Kitô, người Do Thái, một em bé không mong muốn? Làm thế nào để mình vẫn là con người, làm thế nào để mình trở thành con người? Qua các nhân vật và qua các thánh giá của họ, cuối cùng khán giả thấy được hy vọng. Vượt lên các hình ảnh, các câu trả lời có sẵn, nữ đạo diễn Anne Fontaine cống hiến cho chúng ta một bài chiêm nghiệm đáng ngưỡng mộ.

    Lm. Denis Dupont-Fauville
    Marta An Nguyễn chuyển dịch

     

    Đọc thêm »
  • Chàng trai Mexicô trong phim "For Greater Glory" sắp được phong thánh

    Bất kì ai đã từng xem bộ phim chiếu năm 2012 For Greater Glory: The True Story of Cristiada (tên tiếng Việt là Cuộc chiến vĩ đại: Câu chuyện có thật về Cristiada) đều sẽ nhớ đến cảnh tử đạo đẫm máu và tàn độc của một thiếu niên vào năm 1920 ở Mexicô. Đó là câu chuyện có thật, và thiếu niên đó, José Luis Sánchez de Río, đang chuẩn bị được tôn phong hiển thánh.

    ĐGH Phanxicô đã chấp nhận vài sắc chiếu được trình lên ngài từ Bộ Phong Thánh, bao gồm một phép lạ được cho là nhờ lời chuyển cầu của Chân phước José, một thành viên trẻ của phong trào Cristero đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo khi chính quyền Mêxicô hạn chế một cách hà khắc các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo.

    Trong phiên bản phim của câu chuyện này, Chân phước José được Mauricio Kuri thủ vai, là người liên tục lặp lại tiếng kêu của phong trào Cristero, "viva Cristo Rey!" có nghĩa là "vạn tuế Đức Ki-tô Vua". Đó cũng là những câu mà Chân phước Miguel Pro và những người khác hét to khi họ bị quan chức chính quyền Mexicô giết chết.

    ĐGH Bênêđictô XVI đã phong chân phước cho ngài vào năm 2005. Website của Vatican trích đăng tiểu sử của Chân phước José: José Sánchez del Río sinh ngày 28 tháng Ba năm 1913, tại Sahuayo, Michioacán, Mexico. Luôn khao khát được bảo vệ đức tin và quyền lợi của người Công giáo, cậu đã theo bước của hai người anh và đã xin phép mẹ để gia nhập phong trào Cristeros. Mẹ của cậu phản đối, và nói rằng cậu còn quá trẻ. Cậu José đã đáp lại: "Mẹ ơi, xin đừng để con bỏ lỡ cơ hội đạt được hạnh phúc Nước Trời một cách dễ dàng và nhanh chóng."

    Vào ngày 5 tháng Hai năm 1928, chàng trai đã bị bắt trong một trận chiến và bị giam giữ ở phòng áo của nhà thờ. Để khủng bố tinh thần của cậu, bọn lính đã cho cậu xem cảnh một thành viên Cristeros bị bắt khác đang bị treo. Nhưng José đã khích lệ người đó: "Anh sẽ được lên thiên đàng trước tôi. Hãy chuẩn bị một chỗ cho tôi. Nói với Đức Ki-tô Vua rằng tôi sẽ sớm ở với Ngài."

    Trong tù, cậu cầu nguyện với chuỗi Mân Côi và hát các bài ca đức tin. Cậu đã viết một bức thư tuyệt đẹp cho mẹ mình, nói với bà rằng cậu đã phó mình cho thánh ý Thiên Chúa. Cha của José đã nỗ lực chuộc con mình ra nhưng không thể gom đủ tiền kịp thời gian.

    Vào ngày 10 tháng Hai năm 1928, chàng trai đã bị tra tấn một cách tàn độc và da lòng bàn chân đã bị lóc ra; sau đó họ ép buộc cậu bước đi trên muối, sau đó lết bộ từ thị trấn ra tới nghĩa trang. Chàng trai trẻ đã hét lên trong đau đớn nhưng vẫn không bỏ cuộc.

    Những lần quân lính dừng lại và nói: “Nếu mày kêu lên, 'cái chết cho Ki-tô Vua,’ chúng tao sẽ tha cho mày sống.” Nhưng José đã trả lời: “Vạn tuế Đức Ki-tô Vua! Vạn tuế Đức Bà Guadalupe!”

    Một lần nữa khi đã tới nghĩa địa, José được hỏi một lần cuối rằng có từ bỏ niềm tin của mình hay không. Chàng trai 15 tuổi đã hét lên: “Vạn tuế Đức Ki-tô Vua!” và cuối cùng cậu bị bắn chết.

    Chân phước José sẽ được ĐGH Phanxicô tôn phong hiển thánh vào ngày 16/10/2016.

    Minh Nhật

    Đọc thêm »
  • “IDA”, cuốn phim thắng giải Oscar phim hay ngoại quốc năm 2015

    Ida, câu chuyện một nữ tu trẻ dưới thời cộng sản ở Ba Lan thắng giải Oscar trong thể loại phim hay ngoại quốc năm 2015. Cuốn phim do đạo diễn Ba Lan Pawel Pawlikowski thực hiện. Một tác phẩm ý nhị, được ân sủng chạm đến, kể lại câu chuyện một nữ tu sinh trẻ đi tìm đức tin và nguồn gốc của mình trong thời cộng sản ở Ba Lan.

    Anna là nữ tu sinh 18 tuổi, một cô bé mồ côi được các nữ tu nuôi nấng trong thời nước Ba Lan ở dưới chế độ cộng sản trong những năm 1960.

    Đời sống trong tu viện là đời sống duy nhất cô biết và đức tin đối với cô là một hơi thở mới. Theo lời đề nghị của mẹ bề trên, trước khi khấn trọn đời cô nên đi ra ngoài tu viện một thời gian. Cô đi với dì của cô, người duy nhất còn sống trong gia đình cô, bà dì bỗng xuất hiện sau một thời gian dài vắng bóng.

    Đây là chuyến đi trong chương trình đào tạo nhưng cô đi mà lòng không muốn, hơn nữa lại đi với một bà dì khó chịu, thích châm biếm, thích tự hủy hoại mình, từng ở trong đội quân chống nazi và bây giờ là đảng viên cao cấp, lúc nào cũng tìm cách châm chọc cô về đức tin và về chọn lựa đời sống tu hành của cô. Trong một cảnh cảm động nhất, nhờ bà dì nói ra, Anna biết mình không phải là người như mình nghĩ. Tên thật của cô là Ida Lebenstein và cô là người Do Thái.

    Làm sao hóa giải cuộc đời riêng của mình với ơn gọi của mình? Và thế là hai dì cháu lên đường đi tìm xem ai là người đã giết cha mẹ của Anna và họ được chôn ở đâu. Chính cuộc đi tìm này là dịp để hai dì cháu khám phá được tâm hồn của hai người, học để thương nhau và để tôn trọng nhau.

    Đạo diễn Alessandro De Luca giải thích cho nhật báo Ý Avvenire, “chỉ chính khi tiếp xúc với những cái khốn cùng về đạo đức của con người trong chuyến đi đau khổ này mà Ida mới thật sự mở mắt ra với thế giới bên ngoài và với chính mình, ý thức lại một nữ tính mà trước đây cô chưa bao giờ để ý đến và cô cũng không hề biết cái duyên của nó. Sự cám dỗ khoác qua bộ dáng bên ngoài của một nhạc sĩ trẻ, anh này muốn cưới cô và muốn cô sẽ làm mẹ. Sau một đêm ngủ chung, lần đầu tiên cô nếm hương vị giấc mơ xây dựng một gia đình cho riêng mình. Nhưng bây giờ cô đã biết, và khi hừng sáng, cô âm thầm bỏ người tình nhân trẻ để trở về tu viện. Suốt cuốn phim cô có khuôn mặt khó hiểu và không cách nào dò tìm được nhưng bây giờ khuôn mặt này sáng lên một niềm vui mới. Trở thành người lớn, cuối cùng Ida đã chọn Chúa, và đây là lần đầu tiên cô ý thức về các hành động của mình.”

     

    Aleteia, Lucandrea Massaro, 26-2-2015

    Marta An Nguyễn chuyển dịch

     

    Đọc thêm »
  • Liên hoan phim Công giáo Quốc tế trao giải diễn viên xuất sắc vì cổ suý niềm hy vọng

    Đó là diễn viên Juan del Santo. Là một diễn viên dũng cảm và tài năng, anh mới đoạt giải “Con Cá Bạc” (Silver Fish) ở mảng diễn viên hay nhất trong Liên hoan phim Công giáo Quốc tế, với bộ phim “Flow”.

    Juan del Santo: “Nói thật với bạn, khi nghe tin, tôi không thể tin được. Tôi rất vui”.

    Trong phim, Juan del Santo vào vai một nhân vật phải đối mặt với một mưu đồ bất lương, khiến cho cuộc đời của anh ta đổi hướng. Nội dung của phim kể lại cuộc tìm kiếm nội tâm vô vọng của anh ta.

    Bộ phim được đánh giá cao vì nó vạch ra cách thức để người ta vượt qua các khó khăn trong cuộc đời mình. Juan cho biết, vào vai nhân vật này là một thách đố với anh.

    Juan del Santo: “Chúng tôi cố gắng quan sát và chiêm nghiệm về các tai hoạ nhân vật gặp phải. Chúng tôi cố gắng để làm sao các sự kiện này phải thật, phải tang thương đúng như ngoài đời thực vậy, nhưng đồng thời chúng tôi cũng cố gắng nhấn mạnh ở điểm này là: có nhiều cách thế khác nhau giúp người ta trực diện và phản ứng trước đau khổ”.

    Diễn viên tài năng này cho biết, anh cảm thấy mình rất may mắn khi được vào vai nhân vật Walter Mann, và cùng với việc đoạt được giải “Con Cá Bạc”, mọi công khó của anh đã được đền đáp.

    Juan del Santo: “Phải nhận rằng, được tham gia trong bộ phim này là một ân phúc lớn lao từ Thiên Chúa. Tôi đã ước mơ được đóng mẫu nhân vật thế này từ lâu rồi, và thật may mắn vì tôi đã được toại nguyện khi tham gia bộ phim của đạo diễn David. Với tôi, đó là một kinh nghiệm bổ ích”.

    Nhân vật mà Juan del Santo thủ vai phải làm cho thấy được niềm hy vọng bất chấp thảm cảnh bị gài bẫy đánh lừa.

    Phim “Flow” cho thấy người ta hoàn toàn có thể hy vọng, bất chấp những khó khăn trong cuộc sống.

    Nguồn: Romereports.com / daminhvn.net

     

    Đọc thêm »
  • Liên hoan phim Công giáo Cana trải thảm đỏ cho Giáo huấn Xã hội Công giáo

    CNA đưa tin, một liên hoan phim (LHP) gần đây được tổ chức ở Singapore quy tụ các nhà làm phim và những tín hữu trung thành, tới xem xét và chia sẻ học thuyết xã hội Công giáo ngang qua cách kể chuyện trong phim.

    Winifred Loh, giám đốc LHP chia sẻ với CNA ngày 3/7 rằng, Liên hoan phim Cana là bước đệm cho những phim tài liệu, phim ngắn và phim lẻ dành cho người Công giáo, gia đình và bạn bè để họ làm quen với phương tiện truyền thông cũng như giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

    LHP tổ chức vào hai ngày 7-8 tháng 7/2014 tại Trung tâm Công giáo Singapore, với mục đích nêu lên bản chất của sứ mệnh xã hội của Giáo Hội và tầm quan trọng của việc sống đức tin nơi các tín hữu trong đời sống hằng ngày.

    Bà Winifred Loh cho biết thêm, LHP là cố gắng đầu tiên của trung tâm với mục đích như vậy, và LHP tập trung vào tính phổ quát của giáo huấn xã hội Công giáo cũng như sự chia sẻ của chúng ta với cộng đồng nhân loại. Tất cả những điều ấy được phản ánh trong những bộ phim với đa dạng chủ đề sẽ được trình chiếu trong suốt tuần LHP, kèm theo đó là những thông điệp giàu tính xã hội và thúc đẩy con người hành động.

    Những bộ phim được bình chọn sẽ phải đáp ứng một vài điều mà các nhà tổ chức đưa ra, đó là 10 quy tắc trong giáo huấn xã hội Công giáo: phẩm giá con người, sự liên kết, tinh thần bổ trợ, sự tham gia, lợi ích chung, cùng đích phổ quát của của cải, tính đoàn kết, giá trị của lao động, giá trị của sự giải trí và sự thăng tiến hòa bình.

    Bà Loh tiếp tục “Chúng ta đang đối mặt với những vấn đề phức tạp ngày nay, bao gồm thách thức trong công việc, chủ nghĩa vật chất gia tăng, sự tan vỡ gia đình, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, biến đổi khí hậu và còn nhiều điều khác. Mỗi ngày xuất hiện nhiều câu hỏi khác để chúng ta phản tỉnh.”

    Bà Loh chỉ ra một vài câu hỏi vốn đã trở nên tình huống khó xử phổ biến như: Làm sao để tôi quyết định mình mua gì và mua bao nhiêu? Tôi có nên cho tiền người bị tật đang xin ăn bên lề đường không? Tôi nên cư xử với những công nhân nước ngoài xung quanh tôi như thế nào đây? Tại sao tôi phải quan tâm đến việc công ty tôi sản xuất gì? Tôi phản ứng ra sao trước nhiều tai nạn mà tin tức đưa ra?

    Bà Loh nói “Ẩn sau những câu hỏi trên là một câu hỏi quan trọng hơn.” Đó là việc chúng ta sống đức tin trong thời đại ngày nay có ý nghĩa như thế nào? Đâu là phương thức cụ thể để chúng ta sống theo đòi buộc của Tin Mừng là yêu thương người thân cận?

    Bà Loh tiếp thêm rằng do phim thường phản ánh những vấn đề thực tế và khởi đi từ trái tim nên sẽ động chạm và truyền cảm hứng cho khán giả. Ngay cả khi phim hướng đến việc phản tỉnh và cầu nguyện cách cá vị, nó sẽ là hạt giống cho sự biến đổi. Ở nhiều trường hợp, phim giúp mở tâm trí khán giả nhằm theo nhãn quan khác mà trước đây họ không thường kinh qua.

    Giám đốc LHP đã cảm ơn sự khích lệ, nhiệt thành và hảo tâm của các đạo diễn phim, cùng với sự cộng tác của cộng đồng Công giáo địa phương.

    LHP ra đời vào tháng Hai, nằm trong nỗ lực hợp tác giữa các nữ tu dòng Phaolo và Trung tâm Công giáo Cana ở Singapore. LHP Cana bao gồm những phim dành cho trẻ em và người lớn, chủ yếu được sản xuất ở Úc, Bỉ, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Singapore, Lithuania và Thổ Nhĩ Kỳ.

    Nguồn: VRNs

    Đọc thêm »
RSS